Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sáng 27/11, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Thông tư 33/2017 có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân. “Câu chữ trong thông tư mang tính kỹ thuật, người trong ngành đọc sẽ hiểu nhanh, song người dân thì khó hiểu. Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này”, bà Hoa nói.
Theo ông Mai Văn Phấn (Cục phó Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai), thông tư 33 có hiệu lực từ ngày 5/12 với quy định ghi tên thành viên có cùng hộ khẩu và chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ cấp cho hộ gia đình là "giúp khắc phục những tranh chấp về quyền sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch nhà đất". Thay đổi này là "sự điều chỉnh phù hợp", chứ không phải trước đây việc ghi tên một người đại diện là "sai".
Tuy nhiên, Bộ thừa nhận cách ghi hiện hành đã gây khó khăn trong việc xác lập quyền sử dụng đất của từng thành viên trong sổ đỏ cấp cho hộ gia đình. Vì thế, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất dễ phát sinh tranh chấp.
Trả lời VnExpress, Cục phó Phấn khẳng định: “Sổ đỏ cấp trước ngày 5/12 cho hộ gia đình với tên một người đại diện vẫn có giá trị pháp lý. Bởi vậy, người dân không cần làm lại sổ đỏ mới". Dù vậy, gia đình nào muốn thay đổi từ cách ghi tên một người thành tất cả các thành viên có chung quyền sở hữu đất đều được đáp ứng. Họ cầm sổ đỏ ra văn phòng đăng ký đất đai sẽ được hướng dẫn các thủ tục.
Ông Phấn khuyến cáo, các gia đình làm sổ đỏ cách đây nhiều năm, hiện không xác định được những ai có tên trong sổ hộ khẩu được chung quyền sử dụng đất hãy mang hồ sơ ra nhà chức trách địa phương để xác định lại. “Việc xác định ai có chung quyền sử dụng đất sẽ căn cứ vào thời điểm nhà nước giao đất và thủ tục đăng ký làm sổ đỏ thời bấy giờ”, ông giải thích.
Theo ông Phấn, thông tư 33/2017 khi được áp dụng cho người dân hai sự lựa chọn. Thứ nhất, các thành viên trong hộ gia đình cử một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ. Với phương án này, trên sổ đỏ ghi tên người đại diện cho hộ gia đình, chứ không phải ghi như trước kia là "hộ ông (hộ bà)". Phương án hai, ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình vào sổ đỏ.
Thế nào là hộ gia đình sử dụng đất?
Cục phó Phấn giải thích, về bản chất của Thông tư 33 chỉ hướng dẫn kỹ cách ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất. Việc thay đổi này áp dụng cho cấp sổ đỏ theo hộ gia đình, còn nội dung không thay đổi so với thông tư 23/2014.
Theo ông Phấn, "hộ gia đình sử dụng đất" là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ 5/12 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung một số nghị định và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, Thông tư 33 sửa đổi điểm c khoản 1 điều 2 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT như sau: "Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình... dòng tiếp theo ghi “cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)". Trước đó, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "hộ ông" hoặc "hộ bà", sau đó ghi tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất. |