Trao đổi với VnExpress ngày 11/3, một ngày sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất tăng thuế môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng, ông Đinh Nam Thắng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính khẳng định quyết định này không làm đội giá bán lẻ xăng dầu.
Thuế bảo vệ môi trường, nhập khẩu là những loại thuế cơ cấu trong giá bán xăng dầu. Trong đó, thuế môi trường sẽ tăng gấp ba lần nhưng đồng thời thuế nhập khẩu lại giảm theo cam kết quốc tế. Và theo tính toán của cơ quan này, số thuế nhập khẩu giảm này còn lớn hơn mức tăng từ thuế bảo vệ môi trường.
Việc giá xăng tăng, nếu có, là do diễn biến thị trường chứ không phải vì thuế bảo vệ môi trường bị đội lên - ông Thắng giải thích. Ảnh: Thanh Lan |
Cụ thể, số thu ngân sách từ xăng dầu bình quân năm (2015-2017) sẽ giảm khoảng 28.253 tỷ đồng, trong đó thuế nhập khẩu giảm khoảng 25.162 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm khoảng 525 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 2.566 tỷ đồng. Trong khi đó, việc tăng thêm 2.000 đồng thuế môi trường mỗi lít xăng chỉ đem về nguồn thu khoảng 23.680 tỷ đồng. "Như vậy, việc tăng thuế môi trường hoàn toàn không hề làm tăng giá xăng. Nếu có tăng thì đó chỉ là do diễn biến giá trên thị trường thế giới mà thôi", ông Thắng nói.
Do đó, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ nhằm đảm bù đắp khoảng 84% mức giảm thu ngân sách nhà nước khi giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
Không chỉ vậy, theo đại diện Vụ Chính sách Thuế, việc tăng thuế môi trường cũng là cách tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách thay vì phụ thuộc vào những nguồn buộc phải giảm theo lộ trình.
Cụ thể, theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do trong nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam phải cắt giảm và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu vào năm 2024.
Khẳng định việc tăng thuế môi trường là để bù đắp một phần giảm nguồn thu ngân sách nhưng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, chính sách lần này còn thực hiện nhiều mục đích dài hơi khác. Một trong số đó, theo đại diện cơ quan này, là tạo điều kiện khuyến khích sử dụng xăng sinh học để giảm mức độ ô nhiễm môi trường.
Cũng trong trưa ngày 11/3, giá xăng bán lẻ vừa được Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng thêm 1.600 đồng mỗi lít, đưa giá xăng RON 92 và RON 95 tại hệ thống Petrolimex lên 17.280 - 17.880 đồng một lít. Như vậy, chuỗi giảm giá liên tục của giá xăng từ đầu tháng 7 năm ngoái đến nay đã chấm dứt.
Thanh Thanh Lan