Bộ Tài chính vừa có ý kiến gửi Văn phòng Chính phủ về một số đề xuất liên quan đến ưu đãi đối với dự án tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội (Bình Định) của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT).
Trước đó, theo dự thảo đề án về cơ chế ưu đãi đầu tư áp dụng với tổ hợp lọc hóa dầu nói trên, chủ đầu tư muốn mức ưu đãi cho dự án không thấp hơn các cơ chế được Thủ tướng quyết định cho áp dụng đối với các dự án lọc dầu đã và đang xây dựng tại Việt Nam.
Bộ Tài chính cho rằng điều này là không phù hợp. Cơ quan này lý giải, dự án lọc dầu Nghi Sơn, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất nằm trong quy hoạch được nghiên cứu triển khai từ khá lâu (lọc dầu Dung Quất từ năm 1997, lọc dầu Nghi Sơn từ năm 2006). Trên cơ sở cung cầu về các sản phẩm lọc hóa dầu, gắn liền với chiến lược đảm bảo an toàn an ninh năng lượng, Thủ tướng đã cho phép các dự án được áp dụng một số chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư như chính sách thuế, đất đai, bảo hộ thị trường, hỗ trợ đầu tư hạ tầng...
Trong khi đó, với dự án lọc dầu Nhơn Hội, các nội dung phân tích về công nghệ sử dụng, dự kiến nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, phương án tài chính, hiệu quả kinh tế của dự án lọc hóa dầu chưa được làm rõ. Vì vậy việc đề xuất cho phép dự án được áp dụng các chính sách tương tự như các dự án lọc hóa dầu đã và đang được triển khai tại Việt Nam là không phù hợp.
Trong trường hợp dự án được bổ sung quy hoạch, Bộ Tài chính đề nghị cơ chế ưu đãi áp dụng cho dự án thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nội dung cơ chế cụ thể sẽ được Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thẩm định trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Về kiến nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án, đề án đưa ra là mức thuế suất 10% trong thời hạn 30 năm kể từ khi hoạt động, miễn thuế trong 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội với quy mô 25-30 tỷ USD thì được áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mức 15% trong thời gian 15 năm, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Trường hợp dự án đáp ứng tiêu chí theo quy định thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài nhưng tổng thời gian áp dụng không quá 30 năm. Theo quy định tại Nghị định ban hành tháng 8/2010, dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án.
Với kiến nghị miễn thuế nhập khẩu dầu thô của dự án, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay thuế mặt hàng này đang quy định mức 0%, đã áp dụng trong thời gian dài và dự kiến chưa có thay đổi trong thời gian tới. Do vậy, theo cơ quan này, về thuế nhập khẩu dầu thô, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nhà đầu tư kiến nghị áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng giá nhập cộng thuế nhập đối với sản phẩm lọc hóa dầu tương ứng tại thời điểm bán. Bộ Tài chính cho rằng, tính chất của dự án này khác với dự án lọc hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn (đang được hưởng cơ chế ưu đãi bao tiêu sản phẩm tiêu thụ trong nước). Hơn nữa, cơ chế bao tiêu sản phẩm cho hai dự án này chỉ tạm thực hiện trong giai đoạn nhất định (dự án lọc dầu Dung Quất áp dụng đến hết 2018, Nghi Sơn áp dụng trong thời gian 10 năm kể từ ngày vận hành thương mại) và sẽ dần tiến tới thực hiện theo cơ chế thị trường. Do vậy các kiến nghị nêu trên của dự án lọc dầu Nhơn Hội cần xử lý theo hướng đảm bảo phù hợp về tổng thể và thống nhất theo cơ chế giá thị trường.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính dự án lọc dầu Nhơn Hội nằm trên địa bàn Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Do vậy trường hợp dự án có vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn chậm thì dự án được giao đất, thuê đất tối đa là 70 năm.
Theo đề án PTT trình bày tại cuộc họp báo vào tháng 8/2013, Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ có vốn đầu tư khoảng 25-30 tỷ USD. Gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, cho biết trong tháng 5 tới địa phương và chủ đầu tư sẽ báo cáo khả thi dự án trình Thủ tướng xem xét. Tuy nhiên, ông Lộc cho biết thêm, trong cuộc họp hồi tháng 3, phía chủ đầu tư đã có nhiều điều chỉnh thay đổi quy mô, thiết kế.
Theo thiết kế ban đầu, Tổ hợp có tổng công suất chế biến 660.000 thùng, tương đương 33 triệu tấn sản phẩm lọc hóa dầu mỗi năm. Sản phẩm tối đa hóa sản xuất hóa dầu gồm 6,5 triệu tấn Olefins và chế phẩm; 3,7 triệu tấn dẩu hóa dẻo và chế phẩm; 325.500 thùng sản phẩm xăng, diesel, nhiên liệu động cơ. Khi dự án triển khai sẽ sử dụng lao động trực tiếp 10.000-30.000 người, gián tiếp khoảng 100.000 lao động của Bình Định và vùng lân cận.
Dự kiến, sau khi được Thủ tướng thông qua báo cáo khả thi, đến năm 2015, PTT sẽ hoàn thành việc lập hồ sơ, thiết kế kỹ thuật dự án. Năm 2016, tập đoàn này sẽ khởi công để có thể đi vào hoạt động từ năm 2019.
Ngọc Tuyên