Giá bán lẻ xăng dầu một lần nữa trở thành nội dung được quan tâm nhất tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, diễn ra chiều 10/4. Trước đó, dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường do cơ quan này soạn thảo với việc nâng khung thuế từ 1.000-4.000 đồng lên 3.000-8.000 đồng gặp nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận bởi lo ngại sẽ làm giá bán lẻ trong nước tăng cao.
Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Chính sách thuế, mục tiêu của Bộ Tài chính khi đưa ra đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường là ứng phó với xu hướng giảm thuế nhập khẩu do tham gia các hiệp định thương mại, đảm bảo tính ổn định của Luật (không phải điều chỉnh thêm trong thời gian dài), tránh chênh lệch về giá bán lẻ giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới (dẫn tới buôn lậu)...
Vị này dẫn chứng theo bảng xếp hạng của Global Petrol Prices, tính đến 3/4, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang xếp thứ 137 trên 180 nước (từ cao xuống thấp), đồng nghĩa với việc thấp hơn 136 nước khác. Cũng theo bảng xếp hạng này, Philippines đang đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88 và Lào đứng thứ 97.
Đại diện Bộ Tài chính cũng ước tính giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 tại Việt Nam đang thấp hơn Lào khoảng 4.800 đồng, Campuchia 2.800 đồng, Singapore 16.000 đồng và Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 26.500 đồng. Trong đó, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của xăng tại Việt Nam (37,24%) cũng đứng sau nhiều nước trong khu vực (Hàn Quốc là 70,3%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%).
"Để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi", ông Phạm Đình Thi nhận định.
Vị này cũng chia sẻ hiện Bộ Tài chính cũng chỉ mới đề xuất thay đổi khung thuế, còn mức áp dụng hiện hành vẫn là 3.000 đồng mỗi lít. "Việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ cũng như đến sản xuất kinh doanh. Chỉ khi điều chỉnh mức thuế cụ thể thì mới tạo ra tác động", ông Thi nói.
Đối với việc sử dụng khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường, đại diện Bộ Tài chính cho rằng nguồn tiền này được xác định là một khoản thu của ngân sách Nhà nước và được sử dụng các nhiệm vụ chi theo Luật (trong đó có chi đầu tư phát triển, chi đảm bảo xã hội...). Căn cứ theo các quy định này thì hiện tỷ lệ chi cho môi trường hiện chiếm "không ít hơn 1%" và "đang phấn đấu đạt 2%" tổng chi. Trong khi đó, theo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong tổng thu hơn 1 triệu tỷ đồng của ngân sách thì thu từ thuế bảo vệ môi trường đóng góp gần 38.500 tỷ, tương đương gần 4%.
"Không phải thuế bảo vệ môi trường là phải chi hoàn toàn cho các dự án trực tiếp về bảo vệ môi trường. Việc chi như thế nào phụ thuộc vào Luật ngân sách, trong đó có những dự án trực tiếp, có dự án tác động gián tiếp bảo vệ môi trường", ông Phạm Đình Thi cho biết.
Về tình hình ngân sách 3 tháng đầu năm, đại diện Bộ Tài chính cho biết tổng thu ước đạt 280.900 tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm và tăng 15,2% so với cùng kỳ 2016. Riêng thu nội địa chiếm chủ yếu với 232.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ và bằng 23,4% dự toán.
Đối với vấn đề thu thuế hộ kinh doanh, Bộ Tài chính nhìn nhận có việc thất thu do bất cập trong việc áp dụng thuế khoán. Trong đó, lý do thường là nhiều hộ kinh doanh không thực hiện sổ sách kế toán, hoặc do cùng quy mô áp dụng thuế khoán nhưng hiệu quả kinh doanh khác nhau.
Việc khuyến khích những hộ này lên thành doanh nghiệp đã có trong quy định của luật với những hộ kinh doanh có trên 10 lao động hoặc có quy mô lớn như nhà hàng, khách sạn... song việc chuyển đổi còn nhiều khó khăn.
"Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không hề đơn giản. Các hộ sẽ phát sinh thêm chi phí quản lý, thay đổi cách tính thuế... song lại nhận được được những lợi ích khác như được hỗ trợ vay vốn hay mở rộng mạng lưới", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Nguyễn Đại Trí nhận xét.
Minh Sơn