Ngày 7/1, giải thích dự thảo quy định "cá nhân phải có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu", ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài Chính), cho hay đây không phải công khai với toàn xã hội mà với những người đã tham gia đóng góp.
"Khi được yêu cầu hoặc có vấn đề nào đó thì cá nhân phải có bằng chứng về việc đã sử dụng số tiền quyên góp một cách hiệu quả, đúng mục đích ban đầu khi đứng ra kêu gọi, vận động. Những người đóng góp có quyền biết số tiền của họ đã chi tiêu như thế nào", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, mục đích của dự thảo Nghị định mới về hoạt động hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích làm việc thiện nguyện. Nhưng quyền lợi của người đóng góp cần được bảo vệ. Như vậy hoạt động này mới được chuyên nghiệp và hiệu quả.
Ông dẫn chứng, thực tế đã xảy ra trường hợp "lời qua tiếng lại" giữa người nhận tiền và người đóng góp. Vì vậy, người đứng ra vận động cứu trợ phải có trách nhiệm với khoản tiền họ nhận được.
Về quy định cá nhân phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú khi đứng ra vận động cứu trợ, ông Hưng nói cũng nhằm mục đích nếu xảy ra mâu thuẫn giữa các bên thì chính quyền địa phương được biết.
"Còn việc thông báo với chính quyền địa phương nơi đến cứu trợ là cần thiết để phối hợp, hỗ trợ người làm thiện nguyện, tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn và bỏ sót hoặc hỗ trợ trùng lặp", ông Hưng thông tin thêm.
Đồng tình với đề xuất cá nhân phải công khai tiền quyên góp cứu trợ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng cá nhân huy động được nguồn lực để làm từ thiện thì "đó không chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn là niềm tin". Vậy nên, điều quan trọng là cá nhân đó phải giữ được trong sạch để đảm bảo lòng tin của mọi người.
Vì vậy, GS Trí đề xuất có quy định cụ thể, ví dụ cá nhân vận động được số tiền lớn hơn 100 triệu đồng trở lên thì phải mở sổ thu, chi; với số tiền lớn hơn nữa, cần báo với cơ quan kiểm toán.
"Huy động được số tiền lớn đã khó, nhưng bảo vệ uy tín, danh dự của những người làm thiện nguyện còn khó hơn rất nhiều. Phải làm sao để những người tham gia đóng góp yên tâm rằng số tiền của họ được đến đúng người cần hỗ trợ", ông Trí nói và cho rằng, quy định này sẽ định hướng hoạt động thiện nguyện phát triển bền vững, chuyên nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng đồng tình với quy định cá nhân tham gia cứu trợ phải công khai tài chính. "Nếu không công khai, sẽ có những cá nhân, tổ chức lợi dụng lòng tốt của xã hội", ông nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, lưu ý, việc công khai tài chính bằng cách thức nào thì "giữa cá nhân nhận quyên góp và người quyên góp tự thỏa thuận với nhau, bởi vì đây là quan hệ dân sự". Theo ông nghị định nên quy định theo hướng cá nhân tiếp nhận tiền, hiện vật có thể thông báo trên mạng xã hội, bằng văn bản hoặc gửi sao kê tài khoản ngân hàng tùy theo thỏa thuận với người quyên góp.
Ngoài ra, luật sư Cường đề xuất khuyến khích cá nhân làm thiện nguyện báo cáo tài chính khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. "Khi có tranh chấp xảy ra thì cá nhân tiếp nhận cứu trợ phải chứng minh được việc nhận, phân phối, sử dụng số tiền đó đúng mục đích như cam kết với người đã tài trợ, ủng hộ", luật sư Cường phân tích.
Về đề xuất cá nhân phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú khi tham gia hoạt động cứu trợ và chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ, luật sư Cường cho rằng "không nên bắt buộc".
Theo ông, sẽ khả thi hơn nếu quy định cá nhân được lựa chọn thông báo hoặc không thông báo, qua đó khuyến khích tinh thần tham gia thiện nguyện của người dân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa thì băn khoăn, quy định này sẽ làm phát sinh "giấy phép con", gây khó khăn, cản trở hoạt động thiện nguyện. "Cá nhân không cần thiết phải báo với chính quyền nơi cư trú mà chỉ cần báo với chính quyền nơi tiếp nhận hỗ trợ, để được phối hợp, giúp đỡ, đảm bảo phân phối tiền, hàng công bằng, hợp lý", ông Hòa đề xuất.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
So với Nghị định 64/2008, dự thảo bổ sung quy định cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, với hai phương án.
Phương án một, cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú và chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ; đồng thời, có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.
Phương án hai, khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân thì cá nhân được phép vận động cứu trợ để hỗ trợ khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.
Theo điều 5 Nghị định 64/2008, ba nhóm tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm:
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
- Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.