Thứ bảy, 23/11/2024
Thứ bảy, 27/3/2021, 05:00 (GMT+7)

Bộ sưu tập tiền cổ 'hoá thạch' ở Sài Gòn

Những khối tiền xu có niên đại từ thế kỷ 1 được ông Huỳnh Minh Hiệp, 49 tuổi, ở quận Phú Nhuận sưu tập từ nhiều năm nay.

Sau gần 30 năm tìm kiếm và sưu tầm, ông Huỳnh Minh Hiệp đang sở hữu gần 20 loại tiền xu nguyên khối từ thế kỷ 1 đến 19. "Tiền xưa thường được chôn trong chum, vại, trải qua thời gian dài các đồng dính chắc với nhau thành khối lớn cứng như đá, rất khó gỡ ra. Dân sưu tập đồ cổ thường hay gọi là tiền 'hoá thạch'. Loại này rất hiếm, nếu gỡ rời từng đồng ra thì dễ hư hỏng và mất giá trị ngay", ông Hiệp nói.

Những khối tiền được chủ nhân trưng bày trong quán cà phê tại quận Phú Nhuận. Ngoài ra, ông còn sở hữu hơn 10.000 đồng tiền xu cổ, tiền giấy trong nước và quốc tế với nhiều mệnh giá, niên đại.

Giá trị nhất trong bộ sưu tập là khối tiền Ngũ Thù, có niên đại khoảng thế kỷ 1-2 sau công nguyên, xuất xứ từ Trung Quốc. Các đồng tiền cổ vẫn còn nguyên dây xâu, để trong thau đồng, nặng khoảng 20 kg.

Tiền được sản xuất từ triều đại nhà Hán, sử dụng trong suốt 736 năm và được xem là loại tiền lưu hành lâu nhất trong lịch sử thế giới.

"Tôi mua lại tiền này từ một người chơi đồ cổ ở Bắc Ninh hồi năm 2005. Phải rất khó khăn người ta mới nhượng lại cho mình bộ sưu tập giá trị vậy. Cũng đã có nhiều người hỏi mua nhưng tôi không bán", ông Hiệp cho biết.

Hầu hết tiền "hoá thạch" của ông Hiệp đều có nguồn gốc ở Việt Nam. Trong đó xưa nhất là chum tiền có từ thế kỷ 15, vào thời nhà Lê. Nhà sưu tập cho biết, chum này đào được ở Thanh Hóa, cách đây 26 năm.

Những đồng tiền khoảng thế kỷ 17 tạo thành hình thù độc đáo, được tìm thấy ở Bắc Ninh.

Một "cục" tiền xu thời Lê bị hoen rỉ nhưng vẫn giữ được hoa văn căn bản.

Một nhúm tiền dính thành khối trong chum, có niên đại thế kỷ 16, được tìm thấy ở Bắc Ninh.

"Không chỉ tiền cổ mà những chum, vại, bình đựng đi theo cũng có giá trị văn hoá riêng của từng triều đại phong kiến Việt Nam", chủ nhân bộ sưu tập nói.

Bình đựng tiền từ thời Lê còn giữ được hoa văn bên ngoài.

Những xâu tiền lớn vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1841) được tìm thấy ở Tiền Giang.

Ông Hiệp còn sở hữu nhiều tiền xu lẻ của Việt Nam và nước ngoài. Trong đó, những đồng tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam được ông cất cẩn thận trong khung kính, treo trên tường cho khách đến quán tham quan.

Xưa nhất là đồng Thái Bình Hưng Bảo được đúc vào thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đây là đồng tiền đầu tiên do người Việt tự đúc, đánh dấu thời kỳ độc lập tự chủ sau thời gian dài Bắc thuộc.

"Đồng này không chỉ giá trị về niên đại và còn có ý nghĩa riêng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Hồi ấy, tôi phải đổi ngang hiện vật chứ không mua lại được bằng tiền", ông Hiệp nói.

Tiền thưởng thời Lê có kích thước lớn hơn hẳn những đồng xu thông thường thời kỳ ấy.

Ông Hiệp còn sở hữu những chiếc khuôn đúc tiền làm bằng đá và gốm. Năm 2005, nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là người có bộ sưu tập tiền các nước trên thế giới nhiều nhất Việt Nam.

Ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam
cho biết, giá trị của tiền xu cổ xác định dựa trên thông tin được đúc; so sánh với mẫu tiền xưa hoặc đem ra thị trường đấu giá. "Bộ tiền xu cổ của anh Hiệp có giá trị cả về thời gian, vật chất và sự độc đáo, được nhiều nhà sưu tập đánh giá cao. Việc tìm được tiền 'hoá thạch' rất hiếm, vì cần thời gian dài mới ra khối tiền như vậy".

Quỳnh Trần