Căn nhà của ông Tư Đá (Nguyễn Văn Tư, 81 tuổi) ở Thạnh Phú, Châu Thành cách trại rắn Đồng Tâm chỉ vài cây số từ lâu nổi tiếng bởi thú vui lạ đời của gia chủ.
Phía sau cánh cổng thường hay đóng im ỉm là cả một cơ ngơi đồ sộ, kỳ lạ. Những cái chum, vại, chén sành, tô, đĩa, lục bình nhuộm màu thời gian chất đầy hai bên lối đi nhỏ dẫn vào nhà. Những cục đá cổ hình thù lạ lẫm cùng tượng phật, tượng thú, linh vật xưa nằm la liệt xen lẫn cây cảnh mọc trong vườn.
Cụ Tư cho biết mình mê chơi đồ cổ từ năm 30 tuổi. Trước đây, vợ chồng ông ở trong căn nhà cấp 4 nhỏ, xung quanh có vườn rộng hàng nghìn mét vuông. Do ông có sở thích hay săn tìm cổ vật cùng các thứ đồ độc, lạ, nên căn nhà nhỏ dần không còn đủ chỗ chứa.
Ông bỏ tiền tích cóp 700 triệu đồng mua căn nhà 3 gian gỗ căm xe lợp ngói vảy cá về đặt phía sau mảnh vườn làm chỗ trưng bày, thờ tự. Nhưng chỉ được một thời gian, căn nhà tiếp tục trở nên chật chội bởi những món đồ cứ ngày một nhiều lên. Vì vậy, những vật nào ít giá trị hơn bị ông cho ra rìa, chất ngoài hàng lang và chái nhà.
Điều độc đáo ở căn nhà trưng bày là ngoài cột gỗ căm xe, hàng cột mặt tiền nhà được ông Tư kết bằng hàng trăm cái lục bình nhiều loại khác nhau rất đẹp mắt, xung quanh nhà cũng treo đầy những cái đĩa sứ nước men bóng loáng.
Bên trong gian nhà, hàng nghìn cái chén, đĩa, tô, ấm trà cổ... chất thành từng dãy không sao đếm xuể. Dọc theo lối đi cũng xếp đầy tượng gỗ, đá, sành sứ, tranh cổ, bàn ghế gỗ, khai trà cùng vô số cái đôn hình voi, rùa, sư tử thuộc dòng gốm Lái Thiêu và gốm Cây Mai xưa.
Cụ bảo khi đi đâu thấy cục đá hay cái gốc cây hình thù lạ cũng mang về đục đẽo, đánh bóng rồi để đó cho vui nhà vui cửa. Thậm chí đến cả miểng chén, tô cổ vớt dưới sông cũng được ông mua về chất đống ở sân nhà, sau đó lựa những mảnh có hoa văn đẹp rồi mài thành nhiều hình dạng khác nhau ghép vô mấy cái non bộ ở sân vườn.
Đang tưới kiểng giữa trưa, ông Tư tiếp hai người đàn ông mang 10 cái đĩa cổ màu xanh và xám có hình quả phật thủ. Ngắm sơ qua, ông mang cái bình vôi cổ cho hai người này xem và gợi ý đổi ngang lấy mấy cái đĩa. Hai người khách lưỡng lự đôi chút nhưng cuối cùng cũng chấp nhận đổi chác rồi rời đi.
Ông Tư thú nhận dù chơi đồ cổ hơn nửa đời, nhưng do là dân tay ngang nên có nhiều món đồ ông nhìn qua cũng không rõ nó ở triều đại nào, là cổ vật hay đồ "đểu", miễn thích là chơi.
"Tôi không biết đã tốn bao nhiêu tiền, cũng không đếm xuể có bao nhiêu món nữa. Ban đầu có tiền thì mình mua của mấy người rà phế liệu hay tụi nhỏ mò cá dưới sông hoặc đào được dưới đất, chủ yếu là chén, tô, chum, tượng, đá cổ giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Về sau tiền bạc cạn kiệt nên tôi bắt đầu chuyển sang đổi chác với bạn chơi", ông Tư Đá nói.
Để minh chứng, ông chỉ 2 cái tượng linga bằng thủy tinh cùng một tượng thú bị mất phần đầu trông rất lạ lẫm, được ông nhìn thấy lần đầu 40 năm trước ở Long An nhưng chưa có tiền mua. Mới đây, chủ bộ tượng đến thăm nhà ông thấy cái lục bình cổ đẹp quá hỏi mua liền bị ông mắng. Sau đó, người kia năn nỉ mãi ông mới chấp nhận đổi.
Hoặc cái đỉnh lớn bày trước nhà mà ông đổi với một người chơi đồ cổ đã có người đến đề nghị trả 50 triệu đồng. "Đồ đã mang về nhà rồi thì có trả tiền tỷ tui cũng không quan tâm, khi nào thấy thích nhau thì có cái gì đổi chác", ông nói.
Đồ đạc trong nhà cũng được ông Tư sắp xếp theo phong cách tùy hứng, không giống ai. Chẳng hạn tượng Thần Tài được xếp cạnh tượng Quan Âm Bồ Tát, Bồ Đề Đạt Ma và cả tượng Chúa Jesus. Đồ gốm Việt nằm la liệt xen kẽ đồ gốm Khơ Me và đồ gốm Óc Eo.
"Mới đầu hàng xóm nói tôi bị điên, thậm chí con cái cũng khuyên tôi đừng bỏ tiền mua mấy thứ vứt đi, nhưng tôi chỉ cười trừ. Bây giờ mình sống đến tuổi này rồi nên cũng không quan tâm miệng đời, mình thích thì mình chơi, còn có bao nhiêu thời gian nữa, dại gì không làm điều mình thích", ông Tư Đá chia sẻ.
Sợ con cháu sau này không giữ được căn nhà với nhiều kỷ niệm, ông Tư còn cẩn thận nhờ thợ khắc vào đá bản di chúc để giữa gian nhà thờ với nhắn nhủ: "Không cho riêng cá nhân, nếu con cháu nào không có chỗ ở thì cất nhà phía ngoài để ở xung quanh ngôi nhà thờ này".
>> Ảnh: Bộ sưu tập nghìn đồ độc, lạ trong căn nhà của cụ ông
Hoàng Nam