Tại Tuần lễ thời trang Milan, Gucci giới thiệu bộ sưu tập Thu - Đông 2020 dành cho nam giới ngày 14/1. Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele đưa khán giả quay về với tuổi thơ cùng những mẫu váy baby dolls, giày Mary Janes, cổ áo peter pan, áo len màu sắc hay phong cách preppy của các học sinh trung học. Con lắc to giữa sân khấu lớn trên nền cát, đổi hướng liên tục cũng muốn hướng tới thông điệp về góc nhìn đa chiều và trào lưu nổi loạn theo bản năng.
Theo quan điểm của Alessando Michele, chế độ phụ hệ nên kết thúc, đàn ông không cần phải gò mình vào những chuẩn mực "nam tính" để được xã hội chấp nhận. Tờ Washingtontimes nói "đây là một bộ sưu tập thách thức các quy tắc của phái mạnh".
Lấy ý niệm về quần áo của một đứa trẻ lên năm - cũng là con số năm Alessandro Michele gắn bó với Gucci - nhà mốt đem đến sự tự do, phóng khoáng, ngây thơ và cả hoang mang về giới tính. Vẫn là tinh thần vintage quen thuộc nhưng lần này, thương hiệu bị chỉ trích vì làm mất đi vẻ sang trọng vốn có ở các bộ sưu tập trước. Stylist nói bộ sưu tập làm anh nhớ đến những người vô gia cư trên đường phố Mỹ anh từng gặp. Trang The Fashionavel của Việt Nam bình luận: "Không còn vẻ quyền quý kiêu sa của thời kỳ Phục Hưng, mà thay vào đó là những bộ cánh mà nhiều người gọi là hàng second hand gắn mác Gucci".
Lối kết hợp các trang phục trong bộ sưu tập cũng phá vỡ các chuẩn mực thông thường. Những người mẫu nam diện váy babydoll, đi kèm quần jeans rách hay quần ống loe bóng loáng. Áo phom rộng đuợc phối cùng áo phông tay dài bên trong. Loạt áo thun in slogan như "Impotent" (bất lực) được in đè lên nhau gây nhức mắt.
Những màu sắc, họa tiết nổi bật hay cách phối các phụ kiện vốn là thế mạnh của Gucci cũng không còn được nhìn thấy ở bộ sưu tập này. Như ngụ ý về góc nhìn của một đứa trẻ lên năm, các thiết kế thể hiện sự chắp vá, non nớt và bất quy tắc. Tuy nhiên, nếu tách riêng từng mẫu, 70% trong số các thiết kế vẫn mang tính ứng dụng.
Các yếu tố văn hóa Alessando Michele cài cắm trong show trở nên xa lạ với những người yêu thời trang Á Đông. Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cho biết: "Vì là Gucci nên sẽ có nhiều người ca tụng. Nhưng thật sự tôi không cảm được. Từ chất liệu, kiểu dáng cho đến họa tiết, cách mix". Nhà thiết kế Huy Võ - giám đốc Học viện thời trang Việt Nam - nói: "Đây không phải là thời trang. Sự sáng tạo đã bị đẩy đi quá xa. Sự thành công lớn nhất của bộ sưu tập này là yếu tố truyền thông từ mạng xã hội".
Ngược lại, nhà thiết kế Trương Thanh Hải nhận xét sau khi tìm hiểu kỹ concept và câu chuyện nhà mốt muốn diễn đạt, anh nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tích cực hơn. "Một hãng thời trang lớn như Gucci sẽ không cần diễn những trang phục chỉ để bán. Họ trình diễn một ý niệm, một trào lưu mới và cởi bỏ các giá trị hiện hữu ở thời trang. Đó là sự cấp tiến trong tư duy và khiêu khích các tín đồ thời trang tìm ra những ẩn ý sâu xa bên trong".
Trương Thanh Hải dẫn chứng pyjama từng là một trào lưu anh từng không ủng hộ. Nhưng nhiều năm sau đó, anh và mọi người bắt đầu nhận ra ý nghĩa sâu xa của những bộ đồ ngủ: cởi bỏ giới hạn, đề cao sự thoải mái.
"Tôi không làm bộ sưu tập này chỉ để gây sốc. Tôi muốn giải mã và phá hủy sự nam tính", giám đốc sáng tạo của Gucci nói. Ông tuyên bố tinh thần phi giới tính trong bộ sưu tập sẽ là xu hướng trong thập kỷ mới.
Cùng thời điểm này, Gucci tạo nên một làn sóng mới mạng xã hội khi đổi hình đại diện và ảnh bìa trên fanpage của họ. Nhà mốt đến từ Italy chọn font nền xanh nhạt với dòng chữ viết nguệch ngoạc như chữ viết tay của học sinh tiểu học. Nhiều khán giả Việt nhanh chóng bắt kịp trào lưu với bức ảnh avatar tương tự trên trang cá nhân của mình.
Vài năm gần đây, Gucci từng có nhiều thiết kế gây sốc. Tháng 2/2019, hãng bị người dùng mạng xã hội lên án vì có thiết kế phân biệt chủng tộc. Đại diện thương hiệu nổi tiếng của Italy chia sẻ trên Twitter: "Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì những rắc rối từ chiếc áo len Balaclava. Chúng tôi khẳng định đã bỏ sản phẩm này khỏi các cửa hàng - cả online và offline. Chúng tôi hoàn toàn cam kết về sự đa dạng trong công ty mình và sự cố này là bài học cho đội ngũ của Gucci".