Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ ba, 12/1/2021, 15:01 (GMT+7)

Bộ sưu tập hơn 5.600 bonsai 'tí hon'

Khánh HòaÔng Nguyễn Văn Phúng, 59 tuổi, ở Nha Trang dành thời gian tìm hiểu các loại cây đưa về nhân giống để tạo ra hơn 5.600 chậu bosai siêu nhỏ.

Trong khu vườn rộng 4.000 m2 tại xã Phước Đồng, ông Phúng dành nhiều diện tích để trưng bày hàng nghìn chậu bonsai từ bình thường đến tí hon, có nhiều chậu cây chỉ 5-10 cm.

Đam mê bonsai cảnh mini từ 30 năm trước, mỗi lần ông thấy giống cây lạ, liền tìm hiểu rồi đưa về trồng. "Sau thời gian tìm hiểu, chăm sóc cho cây lớn thì tôi tạo hình theo cách riêng của mình và bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của nó", ông Phúng cho biết.

Những giống cây được ông lựa chọn để làm bonsai tí hon như cây sơn liễu, mai chiếu thủy, linh sam..., song nhiều nhất là cây sam hương bởi vì lá nhỏ, nhánh dẻo, sống được trong thời tiết khắc nghiệt và có thể thu nhỏ để tạo hình.

Chậu bonsai tí hon từ cây sam hương được nghệ nhân tạo dáng thác đổ trên bình gốm chỉ vài cm.

Chậu bonsai từ cây sam hương có thế dáng gió lùa chỉ vài cm.

Theo đó, những cây sam hương được ông Phúng trồng theo phương pháp chiết và giâm cảnh để lấy cây giống tạo hình bonsai tí hon. Nhiều cây khác cũng bằng cách thức tương tự, song mỗi cây có đặc điểm khác nhau nên người trồng phải thường xuyên theo dõi quá trình phát triển và chăm sóc cây tỉ mỉ.

Chậu bonsai có hình chú tiểu cõng cây được chủ nhân chăm sóc trong ba năm để ra hình dáng.

Người nghệ nhân tạo ra được một chậu bonsai tí hon phải 2-5 năm. Bởi, cây con chiết hoặc giâm cành ra khỏi cây mẹ để bắt đầu uốn hay tạo thế có thể bị chết, khi đó phải làm lại từ đầu.

Do vậy, người trồng khi phân tán cành, tầng, tỉa cây để tạ dáng đòi hỏi khéo léo, nắm được kỹ thuật cũng như tỉ mỉ trong từng công đoạn và đặc biệt là theo dõi quá trình sinh trưởng cây thường xuyên không để chúng bị sâu bệnh hoặc phát triển quá lớn.

Người chơi loại hình này khi muốn có tác phẩm đẹp phải chọn được giống, lá cây phải nhỏ, khẳng khiu, dễ sống..., sau đó tạo phôi, thúc cho ra nhánh cành rồi khi lớn cắt đầu để tạo thế.

Bonsai tí hon của ông Phúng đa dang với nhiều chủng loại, hình thế, tuổi đời, kích thước khác nhau.

Quá trình tạo được bonsai mini qua nhiều công đoạn, nhưng khó nhất vẫn là tạo bộ rễ và thân cây do nó quá nhỏ cần phải chăm chút kỹ lượng, lơ là không tưới nước hoặc để ngoài nắng nhiều giờ sẽ cây sẽ bị héo khô rồi chết.

Ngoài những cây bonsai có diện tích bé, chỉ vài cm, nhiều tiểu cảnh được chủ vườn thể hiện trên mô hình cổng làng quê, cầu cổ, bến nước, con đò…, và cả tháp Trầm hương một biểu tượng văn hóa của vùng đất Khánh Hòa.

Bộ sưu tập trông khá bắt mắt khi các vật dụng trong cuộc sống được tận dụng vào để làm đôn, chậu. Chẳng hạn, các mô hình ôtô, xe cũ, con ốc, sò hay ly chén cùng những vật dụng đời thường được ông dùng để trang trí.

Hình ảnh áo dài Việt Nam được chủ nhân tái hiện trên mô hình bonsai mini.

Mỗi chậu có giá từ 500.000 đồng đến 4-5 triệu đồng, có khi vài chục triệu đồng còn tùy thuộc vào độ tuổi của cây, đá cùng những vật bày trí xung quanh.

Chủ vườn cho hay, giá trị cây bonsai mini này phụ thuộc vào người đam mê mới theo đuổi được bởi khá kỳ công. Còn đánh giá tác phẩm thì tùy vào mỗi người nhưng nhìn phải thích, cây phải lâu năm, dáng đẹp và đạt thẩm mỹ cao.

Chủ nhân tạo sự đa dạng cho bộ sưu tập bằng dùng vỏ ốc biển để trồng cây.

Suốt nhiều năm qua, ông Phúng đã chi khoảng 2 tỷ đồng đầu tư vào vườn bonsai tí hon này. Còn giá trị trên thị trường hiện nay trung bình 5-6 tỷ đồng, tuy nhiên ông chưa ý định muốn bán mà để thoả đam mê.

Nhiều người thích thú đến tìm hiểu hoặc chụp ảnh để làm kỷ niệm.

Với bộ sưu tập này, ông Phúng đạt kỷ lục thế giới khi số lượng bonsai nhiều nhất khi đạt hơn 5.6000, vượt qua Ấn Độ là hơn 3.300 cây. "Sắp tới, tôi sẽ mang các chậu cây của mình đến Bảo tàng của tỉnh để trưng bày để mọi người cùng chiêm ngưỡng", ông Phúng nói.

Xuân Ngọc