Chủ nhật, 19/5/2024
Thứ hai, 7/12/2015, 11:27 (GMT+7)

Bộ sưu tập hàng nghìn đồ quân dụng thời chiến

Cứ rảnh rỗi, anh Hiền lại trốn vợ đi tìm đồ quân dụng cũ về trưng bày trong nhà, đến nay số hiện vật lên đến vài nghìn.

Đam mê đồ cũ, anh Trần Cảnh Hiền (33 tuổi) thường rong ruổi khắp miền Trung để thỏa thú chơi. Ngôi nhà mặt tiền của anh ở phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) là nơi trưng bày các hiện vật sưu tầm, hầu hết được sản xuất từ trước năm 1975.

"15 tuổi, tôi theo anh trai vào TP HCM làm nghề buôn bán đồ đã qua sử dụng, được tiếp xúc và bắt đầu đam mê đồ cũ. Từ đó tất cả thứ trên người tôi, áo quần, giày dép cho đến mũ nón... đều mua đồ cũ về dùng", anh Hiền nói.

Đam mê từ nhỏ, nhưng 2 năm nay anh Hiền mới có tiền mua hiện vật về trưng chơi. Cứ rảnh rỗi là anh trốn vợ đi tìm hàng. Trong hàng nghìn món đồ, anh thích nhất bình đựng xăng máy bay làm bằng nhôm nặng gần một tạ mua từ một chủ phế liệu (góc trái phía dưới ảnh).

Bộ sưu tập đồ quân dụng của anh Hiền phần lớn là của lính Mỹ, một ít của Pháp, Liên Xô và lính Việt Nam Cộng hòa. Món đồ anh bỏ nhiều tiền nhất để mua là máy điện đàm của quân đội Mỹ có giá 15 triệu đồng.

Hai đuôi bom loại nặng 120 kg, trong đó một cái được tìm thấy dưới biển có màu trắng bạc.

"Chỉ cần tích góp được tiền và nghe đâu có đồ là tôi phóng đi ngay. Vì có đam mê kỳ quái mà lâu nay tôi bị nhiều người gọi là thằng điên", anh Hiền cười nói và cho hay sẽ mở bảo tàng tư nhân về các đồ quân dụng.

Chiếc la bàn thủy lôi, bàn là, bi đông các loại, máy ảnh... được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

Người đàn ông này còn sở hữu 3 máy đánh chữ lâu đời, từ máy của Nhật, Mỹ đến hàng sản xuất của Nga. Sau khi mua lại từ người dân, các món đồ được nhà sưu tầm sửa chữa, tân trang kỹ lưỡng.

Bộ sưu tập đèn măng xông, mỗi chiếc có giá không dưới một triệu đồng. 

Vỏ bom Napal cũng có trong bộ sưu tập. Nhà sưu tầm trẻ cho hay, thích nhất là sưu tầm vũ khí từ thời chiến tranh sót lại. 2 năm qua anh đã bỏ hơn 100 triệu để mua lại hàng trăm vũ khí đã hết khả năng sử dụng, như súng đại liên, vỏ đạn, vỏ đầu đạn... về trưng bày. Tuy nhiên, khi được Ban chỉ huy Quân sự và Công an thị xã Điện Bàn vận động, anh Hiền tự nguyện nộp tất cả món đồ này cho nhà chức trách. Những số vũ khí này được bảo quản tại Bảo tàng thị xã Điện Bàn.

Tiến Hùng