Thứ bảy, 23/11/2024
Chủ nhật, 9/6/2024, 07:00 (GMT+7)

Bộ sưu tập 8.000 sách giáo khoa hơn 100 năm tuổi

Bình Dương15 năm nay anh Nguyễn Văn Đương, 40 tuổi, ở TP Thuận An sưu tầm sách giáo khoa, vở học sinh có từ hơn 100 năm qua.

Trong căn nhà của anh Đương kê các tủ sách lưu trữ tài liệu xưa, chia thành nhiều thư mục. Trong đó anh dành một tủ ở phòng khách để cất những bộ sách giáo khoa xuất bản tại Việt Nam từ hơn 100 năm qua.

Sau 15 năm sưu tập, gia tài của anh đã có gần 8.000 cuốn, số lượng lớn nhất là sách từ năm 1960 - 1990.

Mỗi dịp đi công tác ở những tỉnh khác, anh Đương đều tìm đến các tiệm bán sách cũ hoặc mua trên Internet và từ những nhà sưu tập khác.

"Ban đầu tôi tìm các cuốn sách giáo khoa, vở học sinh thời mình đã từng dùng qua để làm kỷ niệm, dần thấy thú vị với thú chơi này", anh nói.

Xưa nhất là tác phẩm Minh Tâm Bửu Giám do ông Trương Vĩnh Ký (1827-1898) dịch, xuất bản năm 1893.

Minh Tâm Bửu Giám là quyển sách góp nhặt các câu nói, lời khuyên có giá trị răn dạy đạo đức của Nho gia và các sách xưa để làm sách học. Sách là một công trình dịch thuật hiếm hoi còn lại nguyên vẹn của Trương Vĩnh Ký. Trong sách, ông dịch nghĩa đen, nghĩa bóng, các điển tích một cách dễ hiểu.

Các sách cổ như Tam Thiên Tự, Ngũ Thiên Tự, Tam Tự Kinh được xuất bản trong thập niên 1920, 1930. Đây là những cuốn sách dạy cho học trò do các Nho gia thời phong kiến viết.

Sách về lịch sử, địa lý, toán học, quốc văn xuất bản thời Pháp thuộc vẫn còn nguyên vẹn, được anh Đương cất giữ cẩn thận.

Bộ sách giáo khoa tiểu học của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà xuất bản những năm 1960. Thời kỳ này, anh sưu tập đủ các bộ sách của các cấp học tiếp theo.

Sách giáo khoa tiểu học và các cấp khác của chính quyền Sài Gòn xuất bản khoảng năm 1960 - 1970 cũng khá đủ bộ.

Những bộ sách giáo khoa một thời là kỷ niệm đáng nhớ với các học sinh thế hệ 7x, 8x và 9x. Đây cũng là những cuốn sách chiếm số lượng lớn trong bộ sưu tập.

Ngoài sách giáo khoa, anh Đương còn lưu trữ hàng nghìn cuốn vở học sinh từ một thế kỷ qua.

Chủ nhân bộ sưu tập còn lưu giữ nhiều sổ lưu bút học trò. Lâu đời nhất là cuốn có từ niên khoá 1938 - 1942 của một học sinh Sài Gòn viết.

Một góc nhà được anh tái hiện bàn học với cắp, sách, bút, mực của thế hệ học trò thập niên 1960 ở miền Nam.

"Thời gian tới tôi sẽ cố gắng số hoá những cuốn sách cũ có giá trị để lưu trữ được lâu dài hơn", anh Đương nói.

Quỳnh Trần