Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh trình bổ sung vào quy hoạch tỉnh nội dung đến năm 2025 thực hiện sắp xếp với đơn vị hành chính cấp huyện, xã có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số dưới 70% quy định; huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% quy định; xã có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% quy định.
Nội dung sắp xếp huyện, xã đến năm 2030 cũng cần được đưa vào quy hoạch tỉnh, trong đó sáp nhập huyện, xã có cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số dưới 100% quy định; huyện có diện tích dưới 30% và dân số dưới 200% quy định; xã có diện tích dưới 30% và dân số dưới 300% quy định. Ranh giới của các đơn vị hành chính huyện, xã phù hợp với từng giai đoạn phát triển của quy hoạch tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng khi quy hoạch tỉnh đã bổ sung nội dung về sáp nhập huyện, xã.
Theo quy định, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là có 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Quy mô dân số của xã 5.000-8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.
Hồi tháng 2, Bộ Chính trị yêu cầu sắp xếp huyện, xã thời gian tới phải phù hợp quy hoạch tỉnh, nông thôn, đô thị; xác định rõ lộ trình, đảm bảo đồng thuận của nhân dân. Thủ tướng sau đó đã ban hành hai công điện đốc thúc việc chuẩn bị nội dung sáp nhập huyện, xã. Ngày 18/6, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo bộ ngành, địa phương chuẩn bị mọi điều kiện để sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương, ngày 4/7. Ảnh: Nhật Bắc
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương hôm nay, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói sáp nhập huyện xã là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Công việc này sẽ tác động sâu rộng trong xã hội, cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những nơi được sắp xếp. Bà mong muốn địa phương chuẩn bị kỹ, thận trọng, khoa học để tạo đồng thuận cao.
Bà cho biết ngày 3/7, Bộ Nội vụ đã báo cáo Đảng Đoàn Quốc hội một số vấn đề, trong đó có bổ sung việc tiếp tục sắp xếp huyện xã phù hợp với quy hoạch tỉnh, đô thị, nông thôn và theo đúng kết luận của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, các quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt cũng như quy hoạch đang triển khai đều chưa có nội dung nêu trên.
Bộ trưởng Trà đề nghị các địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh thì Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn bổ sung nội dung về mục tiêu, nguyên tắc chung trong sắp xếp đơn vị hành chính vào quy hoạch.
Địa phương đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và nơi đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh để trình phê duyệt cần bổ sung nội dung sắp xếp đơn vị hành chính. Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn các địa phương vấn đề này.
Giai đoạn 2019-2021, cả nước sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, từ đó giảm được 8 huyện và 561 xã, giảm hơn 3.400 cơ quan ở cấp xã với 3.600 biên chế; 429 cơ quan cấp huyện với 141 biên chế; giảm chi ngân sách cả giai đoạn hơn 2.000 tỷ đồng.