Người gửi: Trần Thị Hằng
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Vài kinh nghiệm về trẻ tự kỷ
Sau khi đọc bài viết của anh/ chị Bình tôi cũng có vài kinh nghiệm muốn chia sẻ với mọi người.
1. Những trẻ bị tự kỷ rất cần được yêu thương, giúp đỡ nhiều hơn nên cha mẹ và những người xung quanh cố gắng dành cho trẻ nhiều tình cảm, gần gũi, kiên trì giúp đỡ trẻ, cổ vũ trẻ và khen thưởng kịp thời với những tiến bộ của cháu.
2. Đặc biệt phụ huynh nên bắt đầu từ những cái mà cháu thích, chẳng hạn có những cháu thì thích chạy không chịu ngồi yên một chỗ, có những cháu thì thích ăn, có những cháu lại thích xoay những đồ vật... chúng ta nên tham gia vào "trò chơi" của trẻ mục đích là khơi gợi ở trẻ sự chú ý.
3. Phụ huynh nên nói nhiều về chính trẻ, chẳng hạn khi cho con đi chơi công viên có thể chụp hình, quay phim ... tùy điều kiện sau đó cho trẻ xem và nói về những gì trẻ mới trải qua. Hoặc có thể ghi lại những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của trẻ sau đó "nói chuyện" với trẻ, trẻ sẽ chú ý hơn.
4. Đặc biệt hạn chế cho trẻ xem tivi, chỉ cho xem những chương trình có lợi cho trẻ chẳng hạn như những phim hoạt hình ngộ nghĩnh, có những hình ảnh đẹp, tuyệt đối không xem quảng cáo vì quảng cáo là những hình ảnh và âm thanh "ảo" mà đa số trẻ tự kỷ dường như đã là một "thế giới ảo".
5 Việc giúp một đứa trẻ tự kỷ hòa nhập được là việc lâu dài, tốn hao rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc do đó cha mẹ cũng nên thường xuyên thường xuyên bổ sung "năng lượng" cho mình để có sức khỏe và tinh thần tốt giúp cho trẻ lâu dài vì trẻ tự kỷ có thể phải rất nhiều thời gian mới dần dần mở ra được, nhưng khi các cháu đã mở thì thường tiến bộ rất nhanh. Tôi có cảm giác các cháu đang bù lại "những ngày để mất".
6. Trẻ tự kỷ cần có một môi trường đầy đủ tình yêu thương của mọi người và sự giúp đỡ của tất cả các thành viên trong gia đình đặc biệt là cha mẹ. Do vậy phụ huynh nên đồng sức đồng lòng để giúp trẻ vì nếu thiếu tình thương và sự giúp đỡ của một trong hai người đều không có lợi cho trẻ - đặc biệt là người cha, vì không phải người đàn ông nào cũng dễ dàng chấp nhận "bệnh" của con và kiên trì cùng mẹ vợ mình giúp đỡ con.
7. Nên thường xuyên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tham gia các khóa học ngắn hạn, các cuộc hội thảo, tìm thông tin trên mạng cũng như học hỏi kinh nghiệm của những gia đình có con tự kỷ khác.
Người gửi: Đinh Thanh Thuỷ
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Con tôi cũng là trẻ tự kỷ
Tôi có đọc bài viết về trẻ tự kỷ của anh Nguyễn Thanh Bình và tôi cũng là một trong gia đình có con bị tự kỷ như vậy. Tôi rất tâm đắc với những gì anh đã viết trong bài.
Hiện nay ở Việt Nam cũng có rất nhiều gia đình có con bị tự kỷ nhưng không phải là gia đình nào cũng có điều kiện tốt như gia đình chị Phương Nga để có thể làm theo các phương pháp dạy đó.
Tôi nhất trí với quan điểm của anh Bình đó là mọi thành viên trong gia đình đều có thể trở thành giáo viên dạy cho cháu và việc học đó được diễn ra mọi lúc trong sinh hoạt hằng ngày, đó là sự kết hợp giữa niềm tin + yêu thương + kiên trì. Hiện nay có rất nhiều tài liệu trên mạng nói về căn bệnh này nhưng chưa có tài liệu nào nói cụ thể và chi tiết về phương pháp dạy và điều trị cho trẻ, còn ở các hiệu sách thì sách bán về phương pháp dạy trẻ tự kỷ là rất ít.
Tôi mong muốn rằng các chương trình dạy cho trẻ tự kỷ sẽ được phổ biến nhiều hơn để những gia đình ở các tỉnh xa có thể cập nhật và hiểu biết thêm về vấn đề giáo dục và dạy cho trẻ.