Thứ ba, 30/4/2024
Thứ sáu, 4/11/2022, 00:00 (GMT+7)

Bờ sông Thạch Hãn sạt lở, kéo sập nhiều nhà dân

Quảng TrịSạt lở bờ sông Thạch Hãn khiến ba nhà, hai quán sụp đổ, một người chết, 142 nhà khác cùng 28 ha đất nông nghiệp đang bị đe dọa.

Sau cơn bão Nesat cuối tháng 10, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị bị sạt lở 8 điểm, đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ dân.

Đoạn này có 8 điểm sạt lở qua các xã Hải Lệ, phường 1 và An Đôn, với tổng chiều dài 4.750 m, cao 4 đến 10 m, đe dọa 142 hộ dân, 28 ha đất nông nghiệp. Ảnh: Gooole Maps

Từ năm 2018 đến nay, đoạn sông này được làm 4 tuyến kè do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Quảng Trị làm chủ đầu tư, dài hơn 2.100 m.

Lúc 22h26 ngày 16/10, bờ sông qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, bị sạt lở khiến ba nhà dân, hai hàng quán đổ sập xuống sông. Đoạn sạt lở dài 80 m, lún sâu 4-6 m, rộng 20 m, cuốn trôi 9.000 m3 đất đá.

Sự cố khiến ông Võ Lợi, 44 tuổi, tử vong, con trai 12 tuổi bị thương.

Nửa tháng sau vụ sạt lở, ông Phạm Bá Chung, 57 tuổi, mới ra bờ sông vớt vát chút tài sản còn sót lại. Cả ba nhà bị đổ sập liền kề nhau, các gia đình có quan hệ ruột thịt gồm nhà ông Chung, em ruột và em vợ.

Ông Chung mất nhà nên về nhà mẹ ruột gần đó sống tạm. Nơi này vốn là dãy chuồng trại để nuôi heo, được ông Chung cải tạo, quét dọn sạch sẽ, đưa đàn heo ra nơi khác.

Mấy hôm nay, ông ra bờ sông lượm lặt tấm tôn, thanh xà gồ đưa vào để nhờ thợ cơ khí hàn lại cửa ngõ, mái che ở dãy chuồng trại.

Đoạn sụt lún ở thôn Như Lệ (xã Hải Lệ) từng được nhà chức trách xây dựng kè dài gần 1.000 m. Sau cơn bão Nesat, đoạn kè này đã biến dạng, vết nứt, sụt lún ngày càng phát triển, có nơi sụt thấp xuống so với ban đầu 0,5 m.

Ngoài hư hỏng bờ kè, điểm sạt lở này cách mép đường liên xã 2,5 m, buộc nhà chức trách cấm xe quá 2,5 tấn qua tuyến đường này, chỉ cho lưu thông ở một làn còn lại.

Đây là tuyến đường huyết mạch nối xã Hải Lệ với trung tâm thị xã Quảng Trị, cũng là đường cứu hộ cứu nạn bảo vệ công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn (xã Hải Lệ) ở thượng nguồn.

Sau vụ sạt lở đêm 16/10, 38 hộ dân dọc bờ sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ đã được di dời đến nơi khác.

Từ năm 1978 đến nay, bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền từ 80 đến 200 m. Những năm gần đây, sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Chị Dung cùng mẹ bán cơm ở sát bờ sông, nhưng nay phải chuyển qua phía đối diện, mượn tạm sân người bà con để bán. Không có mái che, chị phải dùng cây dù che nắng. Cơm cũng chỉ bán cho người mang về chứ không thể ăn tại chỗ. "Sắp tới chưa biết giải pháp như nào đây, khó khăn lắm", chị Dung cho hay.

Tương tự, bà Ngô Thị Hiền (66 tuổi, trú xã Hải Lệ) sống một mình trong căn nhà rộng 6x12 m. Tại đây, bà Hiền mở một hàng tạp hóa sinh sống. "Tôi sống ở đây 35 năm qua, chưa từng thấy sạt lở kinh hoàng như bây giờ", bà nói.

Nhà bà Hiền sát điểm sạt lở khiến một người chết. Bà được chính quyền vận động di dời, buổi tối vào ngủ nhà con trai gần đó, ban ngày ra mở hàng quán kiếm đồng ra đồng vào. Phía đối diện có khoảng sân của hợp tác xã Mỹ Lệ, bà Hiền nhờ đặt hàng hóa nhưng không đủ diện tích nên vẫn phải bám víu vào căn nhà sát mép sông.

Từ bức tường cuối nhà đến mép kè chỉ còn hai mét, nhiều mảng tường, móng nhà bị nứt rộng 2-3 cm.

Năm 2016, tỉnh Quảng Trị đầu tư 39 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư Cây Trâm (xã Hải Lệ), để di dời 60 hộ ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông Thạch Hãn. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 5 hộ dân vào đây sinh sống.

Mỗi hộ dân vào khu tái định cư được cấp 1.500 m2 đất, trong đó có 300 m2 đất ở và hỗ trợ thêm 20 triệu đồng.

Ông Phạm Bá Chung, nhà bị sập, cho hay gia đình không đủ tài chính vào khu tái định cư xây nhà mới. "Giờ xây căn nhà cấp bốn cũng phải 400 triệu đồng, nhưng như thế thì không có mái bằng, không chống chịu được bão. Khoản hỗ trợ chỉ vừa đủ thuê xe vận chuyển tài sản", ông Chung nói.

Ông Chung đề nghị nhà nước hỗ trợ cao hơn để dân mạnh dạn vay mượn dựng nhà mới ở khu tái định cư.

Một thuyền khai thác cát trên sông Thạch Hãn đi qua một điểm sạt lở ở phường An Đôn. Người dân cho rằng việc sạt lở có một phần nguyên nhân từ các mỏ khai thác cát trên sông Thạch Hãn, cách điểm sạt lở gần nhất gần một km.

Phó chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Hồng Sơn đề nghị tỉnh chỉ đạo các sở ngành rà soát, đánh giá tác động môi trường và dòng chảy của việc khai thác cát sỏi trên sông Thạch Hãn, từ có phương án điều chỉnh phù hợp.

Trước mắt, thị xã Quảng Trị đề nghị bố trí một tỷ đồng xây đoạn kè ở vị trí sạt lở khiến một người chết. Về lâu dài, địa phương này xin bố trí 287 tỷ đồng xây dựng 5 đoạn kè.

Sạt lở sông Thạch Hãn nuốt chửng nhà dân
 
 

Sạt lở sông Thạch Hãn nuốt chửng nhà dân. Video: Hoàng Táo

Hoàng Táo