"Với cách học này, dù cố gắng đến mấy cũng sẽ khiến học sinh nhàm chán khi phải nhớ nhiều kiến thức, trong đó một số kiến thức quá cao sâu chưa cần thiết với các em", Phó vụ trưởng Giáo dục trung học Đỗ Ngọc Thống nói tại buổi Hội thảo Dạy học môn ngữ Văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông do trường ĐH Sư phạm TP HCM ngày 25/4.
Ông Thống cũng cho rằng, chương trình môn Văn 3 cấp học được biên soạn tách biệt nên có nhiều nội dung chồng chéo, vừa thừa lại vừa thiếu. Chương trình cũng quá cứng nhắc, không phù hợp với các vùng miền và không phân loại được đối tượng học khác nhau. Đặc biệt, những người dạy Văn, chương trình đào tạo ra người dạy Văn cũng quá quen với lối tư duy cũ nên sẽ rất khó thay đổi.
"Chỉ mỗi việc Bộ Giáo dục quyết định đổi cấu trúc đề Văn từ truyền thống sang đọc hiểu và tạo lập văn bản đã khiến cho giáo viên và học sinh cả nước nháo nhào. Trong khi đó, những phần đọc hiểu có trong sách giáo khoa và nó không hề khó. Điều này cho thấy việc thay đổi nhận thức trước khi đổi mới chương trình dạy môn Văn mới là vấn đề", ông Thống cho hay và khẳng định việc đổi mới chương trình dạy môn Ngữ Văn hiện nay là cần thiết.
"Tại sao chúng ta phải đổi mới đồng loạt và định kỳ?", một đại biểu đặt câu hỏi trước phần trình bày của Phó vụ trưởng. Vị đại biểu này cho rằng, Bộ Giáo dục chưa xây dựng được chuẩn chương trình, yêu cầu của chương trình. Hơn nữa ai đảm bảo chương trình đổi mới này sẽ mang lại hiệu quả, hay mấy năm sau lại phải tiếp tục đổi mới?
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Kha - nguyên giảng viên Văn ĐH Đà Lạt nêu một thực tế đáng buồn. Ông Kha cho biết, trong một cuộc khảo sát do ông thực hiện với trên 800 phiếu điều tra về việc học môn Văn, chỉ 50 phiếu của học sinh cho rằng các em có hứng thú với môn này. Số còn lại bày tỏ đây là môn học nhàm chán và dĩ nhiên các em chọn cách học đối phó là chính.
Theo Tiến sĩ Kha, nhiều gia đình luôn muốn con mình học các khối tự nhiên để dễ tìm việc và có thu nhập tốt. Đây chính là những áp lực đè lên giáo viên dạy Văn khi vừa phải cố gắng truyền lửa cho học sinh, vừa phải chịu áp lực từ định kiến dư luận về môn học này. Ông Kha cho rằng, để đổi mới chương trình môn học cần phải lấy người học làm trọng tâm và thay đổi lối dạy khuôn sáo, nhàm chán hiện tại mới hy vọng lôi kéo được học sinh.
Là thành viên Ban thường trực đổi mới chương trình Sách giáo khoa năm 2015, Phó vụ trưởng Đỗ Ngọc Thống cho rằng, để đổi mới chương trình dạy học môn Văn lần này, Bộ Giáo dục sẽ đổi mới từ gốc và toàn diện. Cụ thể là phải thay đổi tư duy của người làm chương trình, người dạy và người học. Đặc biệt là thay đổi chương trình đào tạo sư phạm trong các trường CĐ, ĐH để những thầy cô giáo tương lai không bị sa vào lối dạy truyền thống.
Về chương trình sách giáo khoa, ông cho biết sẽ đổi mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh là chính chứ không theo đuổi số lượng như hiện tại. Chương trình sẽ đề cao mục tiêu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, cụ thể là nghe - nói - đọc - viết sau đó mới phát triển các kỹ năng khác. Chương trình dạy Văn sẽ được xây theo một thể thống nhất ở tất cả các cấp học nhằm phân chia nội dung và mức độ phù hợp cho học sinh.
Điểm đặc biệt mới trong lần này là Bộ sẽ chỉ xây dựng chương trình chuẩn, các trường, địa phương sẽ tự chủ phát triển sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của vùng miền. Giáo viên có thể chọn những văn bản, tác phẩm cụ thể để dạy, miễn sao đảm bảo được mục tiêu bài học mà Bộ đề ra.
Đại diện của Bộ Giáo dục thông tin thêm, về sách giáo khoa, Bộ sẽ biên soạn theo hướng mở. Thay vì bắt giáo viên, học sinh phải theo tuyệt đối trong chương trình, Bộ cho phép sử dụng nhiều bộ sách, tài liệu khác nhau về cùng một vấn đề. Nội dung và cấu trúc sách giáo khoa Ngữ văn sẽ đổi mới theo hướng tăng cường nêu vấn đề, hiện tượng, gợi mở cách giải quyết và yêu cầu học sinh vận dụng tìm cách giải quyết và cách học cho riêng mình.
GS.TS Bùi Mạnh Nhị - Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục cho rằng, song song với việc đổi mới chương trình thì việc đào tạo con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bộ đã rất nhiều lần cải tiến chương trình dạy học môn Văn nhưng không mang lại hiệu quả caovì chưa chú trọng đến con người.
"Cấu trúc lớp học hiện tại của chúng ta đã bị phá vỡ, cần phải thay đổi. Chương trình dù hay đến đâu nhưng người dạy dở thì không thể đạt được hiệu quả. Trước khi đổi mới phải thay đổi cách đào tạo đội ngũ giảng viên", Vụ trưởng Bùi Mạnh Nhị nhấn mạnh.
Nguyễn Loan