Các tác phẩm thuộc tủ sách Nghệ thuật và hội họa của NXB Larousse, Pháp, vừa được chuyển ngữ tiếng Việt và phát hành trong nước.
Phần tiểu sử được kể với giọng văn dí dỏm, lồng ghép các mẩu truyện nhỏ, từ đó khái quát tính cách nghệ sĩ. Tác giả Gérard Denizeau thuật lại cách Monet vô tình đặt tên trường phái Ấn Tượng (tiếng Anh: Impressionism). Vào 1874, họa sĩ trẻ 34 tuổi không ngờ bức họa Ấn tượng, Mặt trời mọc của ông trở nên nổi tiếng tại một buổi triển lãm. Lấy cảm hứng từ tên tác phẩm, Louis Leroy - nhà báo của tờ Charivari bấy giờ viết ngay phóng sự Triển lãm của những nghệ sĩ Ấn tượng, vô tình tạo tên gọi một phong trào hội họa tiêu biểu của lịch sử.
Về sau, ở tuổi 68, mắt của Monet yếu dần đi vì bệnh đục thủy tinh thể, khiến khả năng nhận biết màu sắc trở nên kém đi. Theo sách, ông chỉ nhìn thấy màu xanh da trời, không còn nhìn thấy màu đỏ và vàng. Với quan niệm "màu sắc là niềm đam mê bất tận, là niềm vui và cả sự giày vò", Monet nỗ lực vượt qua tâm trạng bi quan, dùng trí tưởng tượng để tiếp tục công việc sáng tác.
Tác giả Denizeau cho rằng nghệ sĩ đủ kinh nghiệm sống để tự thiết kế, lên ý tưởng khu vườn nghệ thuật trong đầu, sau đó vẽ lại. Nhờ thế, Monet không cần quan sát cảnh vật - vốn là đặc trưng của trường phái Ấn tượng, để sáng tác. Cuối đời, họa sĩ nổi tiếng với bộ tác phẩm Hoa súng (vẽ trong năm 1914 - 1926). Càng về sau, đường ranh giới giữa hồ nước và mặt đất trong tranh dần biến mất, các mảng màu chồng lấp lên nhau. Hoa được tạo hình với các nét bút thoáng, tựa cách nhìn nhập nhòa của ông với thấy thế giới.
Ngoài kể về Monet - người tiên phong của trường phái Ấn tượng, bộ sách Larousse khai thác cuộc đời của Vincent Van Gogh, Paul Gauguin - nghệ sĩ tiêu biểu của thời kỳ Hậu ấn tượng.
Cuộc đời bi thảm của Van Gogh - người tự cắt tai mình, được làm rõ qua những bức thư gửi em trai Théo, chất chứa tâm sự của người vẽ cô đơn. Năm 1890, sau khi vẽ bức Con đường với cây bách và bầu trời sao, ông viết thư, kể mình đã tìm thấy được ánh sáng, không còn đắm chìm trong đau khổ. Trong tác phẩm, cây bách vươn lên từ bóng tối, đâm thẳng lên không gian có mặt trời ngự trị. Còn con người nhỏ bé, cảm thấy yên bình trong một đêm ở Provence. Độc giả còn cảm nhận được tình bạn trong sáng của Paul Gauguin và Van Gogh. Tại Arles, đôi bạn cùng sinh sống, sáng tác say mê, tạo ra một loạt tác phẩm như Les Alyscamps, Hoa hướng dương, Chân dung của Gauguin. Dù vậy, sau đó, Van Gogh tự cắt tai trái vì nhiều nỗi đau khổ dày dò, bất đồng với bạn, cùng bệnh rối loạn tâm lý.
Những năm 1890, các tác phẩm của Paul Gauguin có sự chuyển biến ở cách nhấn mạnh chủ thể, hướng đến một trường phái mới - Tượng trưng. Sách trích lời họa sĩ: "Nghệ thuật là sự tái tạo những gì giác quan cảm nhận qua bức màn tâm hồn". Trái ngược với Monet, ông không phản ánh sự vật, mà chủ đích khắc họa các khối hình, màu sắc để khơi gợi những suy nghĩ về con người. Ngoài tranh, Gauguin theo đuổi nghệ thuật in khắc, điêu khắc, tạo hình gốm sứ. Tác giả Semmer nhìn nhận họa sĩ không theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng ham học hỏi, hiểu biết nhiều lĩnh vực. Là một nhà du hành, Gauguin từng đến Đan Mạch và sinh sống tại đảo Tahiti trong thời gian dài.
Ngoài ra, tác phẩm hướng dẫn xem tranh với gợi ý về hoàn cảnh sáng tác, kỹ thuật hội họa và ý nghĩa màu sắc. Từ đó, công chúng tiệm cận suy nghĩ của danh họa, cảm nhận được tâm hồn của nghệ sĩ qua từng bức tranh. Qua cuốn Van Gogh, người đọc biết được đằng sau bức Hoa diên vĩ là tâm hồn mong manh, nhạy cảm của một thiên tài. Năm 1889, danh họa dành nhiều thời gian tại viện Saint Paul-de-Mausole do bệnh tâm lý trở nặng. Hội họa khi đó là chốn trú ẩn an lành, giúp ông tìm thấy sự minh mẫn trong nghệ thuật, để rồi thăng hoa với màu sắc. Khi đó, ông ở trong phòng, ngắm nhìn diên vĩ và họa bức tranh nổi tiếng. Sách viết: "Ông đặt màu tím quyến rũ cạnh sự sáng chói của màu vàng chanh và sự mộc mạc của màu xanh lục thủy, bằng cách đó thu được một hiệu ứng rực rõ, thổi sinh khí vào toàn bộ tác phẩm. Phía trên những bông hoa diên vĩ, những đường vạch nhỏ sáng màu tạo nên ấn tượng về sự sống".
Bộ sách đề cập thêm các tác phẩm nổi tiếng: Đêm đầy sao, Hoa diên vĩ (họa sĩ: Vincent Van Gogh), Ao hoa súng, Nhà thờ Rouen (họa sĩ Claude Monet) hay Phụ nữ Tahiti, Chân dung tự họa (họa sĩ Paul Gauguin). Tác giả diễn giải các thuật ngữ hội họa như chủ nghĩa Hàn Lâm (acedemisme) của trào lưu Tân cổ điển, Lãng mạn hay phong cách vẽ chấm họa (pointillisme).
Thành lập năm 1852, NXB Larousse chuyên biên soạn, xuất bản từ điển và bách khoa toàn thư. Hơn 160 năm qua, các tác phẩm trở thành tài liệu tham khảo phổ biến tại Pháp và trên thế giới. Gérard Denizeau là nhà sử học về hội họa, chấp bút cho quyển La Bible expliquée par la peinture (Kinh Thánh giải thích từ hội họa), Leonardo da Vinci...Tác giả Laure-Caroline Semme dạy lịch sử hội họa, viết quyển Lire la peinture de Cézanne...
Quỳnh Quyên