Bộ Quốc phòng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến, đề nghị "nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề để đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ".
Trong văn bản trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết việc gọi công dân nhập ngũ hiện nay còn bất cập, trong đó có việc đảm bảo công bằng xã hội đối với mọi nam thanh niên trong độ tuổi.
Theo quy định, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú. "Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối nên chúng ta chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ mà chỉ gọi 3-3,2% số thanh niên trong độ tuổi", Bộ Quốc phòng cho hay.
Bộ cũng thông tin sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, đề xuất hoàn chỉnh quy định bảo đảm thống nhất, đồng bộ và công bằng.
Cử tri tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Quốc phòng có văn bản hướng dẫn thống nhất việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự ở địa phương và khám phúc tra sức khỏe ở đơn vị nhận quân. Nếu cần làm các xét nghiệm lâm sàng thì thực hiện ngay từ khi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự ở địa phương để có kết luận chung, thống nhất.
Về việc này, Bộ Quốc phòng cho hay, công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn để công dân không đủ sức khỏe nhập ngũ. Đó là thanh niên có di chứng chấn thương để lại, sẹo bỏng lớn, chấn thương sọ não chưa phục hồi, dương tính với ma túy, tâm thần. Những trường hợp này sau phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới phải bù đổi, loại trả.
Để khắc phục, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế đã phối hợp, xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nội dung này đã được nghiên cứu phù hợp, thống nhất quy định khám giữa địa phương và phúc tra sức khỏe của đơn vị nhận quân.
Bộ Quốc phòng đánh giá, sau hơn 7 năm thực hiện, Luật Nghĩa vụ quân sự giúp đảm bảo tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, bổ sung cho đơn vị thường trực và thay quân. Luật đã tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27.