Anca Molnar qua đời vì bệnh u não ngày 13/6, tang lễ tổ chức tại quê nhà Romania. Trước khi ra đi, Molnar đăng một bài viết trên mạng xã hội thuật lại quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư "cho đến hy vọng cuối cùng".
Alina Radi, bạn thân của Molnar, cho biết trước khi phát hiện ung thư, nữ Tiktoker trải qua hàng loạt cơn đau đầu dữ dội. Cách đây hơn một tháng, đau đầu nhiều hơn, Molnar mới đến gặp bác sĩ, được chẩn đoán ung thư. Căn bệnh đã lây lan đến mức "khó có thể điều trị". Lúc này, Molnar mới nhận ra mình đã bỏ qua dấu hiệu cảnh báo sớm và rõ ràng nhất.
Molnar sau đó tới Thổ Nhĩ Kỳ để xạ trị, hóa trị và phẫu thuật não. Căn bệnh thuyên giảm sau ca phẫu thuật đầu tiên, nhưng khối u thứ hai được phát hiện ngay sau đó, buộc cô tiếp tục phẫu thuật. Tuy nhiên, việc điều trị quá muộn không thể giúp cô chiến thắng khối u ác tính.
Trong bài đăng cuối cùng trên trang cá nhân, cô chia sẻ: "Tôi đã đến với thế giới này, sống đẹp và rời đi đến một thế giới khác. Tôi đã chiến đấu hết mình, cho đến hy vọng cuối cùng. Tôi để lại lòng biết ơn và trái tim vì cuộc sống tươi đẹp, để lại nụ cười như bằng chứng rằng tôi đã sống hết mình".
Theo Hiệp hội Ung thư Australia, đau đầu có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư não. Đây là hiện tượng phổ biến, dễ nhầm lẫn với căn bệnh khác. Cơn đau đầu do u não thường nặng hơn khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng. Một số người cho biết cơn đau khiến họ tỉnh giấc. Đau đầu do u não có xu hướng nặng hơn khi ho hoặc căng thẳng.
Khối u phía sau đầu có thể gây triệu chứng đau đầu kèm đau cổ. Nếu khối u nằm ở phần não trước, cơn đau giống với đau mắt hoặc đau do xoang.
Các chuyên gia khuyến nghị bệnh nhân liên lạc với bác sĩ sớm nhất có thể nếu cơn đau kéo dài. Các triệu chứng khác của căn bệnh là động kinh, yếu hoặc tê liệt một bộ phận cơ thể, mất thăng bằng.
Độ tuổi trung bình của người Australia mắc bệnh ung thư là 59. Tiên lượng ung thư não giữa các bệnh nhân rất khác nhau. Đối với khối u lành tính, sau phẫu thuật, nhiều người sống sót thời gian dài.
Thục Linh (Theo NY Post)