Người đàn ông dũng mãnh, tay phất cờ, dẫn đầu đoàn binh lính trong khung cảnh núi rừng phủ tuyết ở vùng Kashmir, tuyên bố: "Ấn Độ sẽ không sợ khủng bố". Trước mưa đạn của quân thù, người đàn ông tiếp tục nói: "Khủng bố sẽ sợ Ấn Độ".
Đây là một phân cảnh trong đoạn phim giới thiệu dài 2 phút 30 giây đang gây xôn xao trước thềm cuộc bầu cử ở Ấn Độ. Bộ phim về cuộc đời của lãnh đạo Ấn Độ với tựa đề "Thủ tướng Narendra Modi" dự kiến ra rạp vào ngày 5/4, chỉ vài ngày trước cuộc tổng tuyển cử ở quốc gia này.
Đảng Quốc đại Ấn Độ đối lập phản ứng dữ dội vì cho rằng bộ phim là một động thái chính trị của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền. Đây là hai đảng lớn nhất trong 7 đảng phái chính trị cấp quốc gia ở Ấn Độ hiện nay.
Dù BJP không liên quan đến bộ phim, nam diễn viên chính thủ vai Thủ tướng Ấn Độ, Vivek Oberoi, là một người ủng hộ ông Modi. Tại sự kiện giới thiệu phim, nam diễn viên này đã dùng câu khẩu hiệu "Modi biến điều đó thành điều có thể" của đảng BJP để trả lời một câu hỏi của cánh báo chí.
Một số chính trị gia lão luyện của BJP cũng có mặt tại sự kiện quảng bá cho bộ phim, nhưng nhà sản xuất cam đoan với ủy ban bầu cử rằng bộ phim được sản xuất hoàn toàn bằng nguồn vốn riêng và không có sự tài trợ từ bất cứ tổ chức nào.
"Tôi không dính dáng gì đến chính trị và các chính trị gia hay bất cứ đảng phái nào", đạo diễn nói, cho biết bộ phim khắc họa chân dung "một con người tuyệt vời" có khả năng "truyền cảm hứng" cho công chúng. "Nếu các chính trị gia đảng đối lập sợ bộ phim của chúng tôi đến thế, liệu có phải họ không tự tin về những việc họ đã làm cho đất nước nước và quê hương họ?"
Bất chấp lời khẳng định của đạo diễn phim, không ít người nghi ngờ về một chiến dịch tuyên truyền tinh vi. Người ta cho rằng thời điểm phát hành bộ phim "đúng lúc một cách đáng ngờ" và hiệu ứng truyền thông có thể giúp đẩy mạnh hình ảnh và uy tín của Thủ tướng Modi, nhà phê bình phim Raja Sen nói.
Bộ phim được kể theo trình tự thời gian từ lúc ông Modi còn là một đứa trẻ bán trà trên tàu hỏa cho đến khi lên làm lãnh đạo bang miền tây Gujarat. Theo các chuyên gia, uy tín của đảng BJP phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh cá nhân đầy cứng rắn của ông Modi.
"Đây là một câu chuyện hư cấu về cuộc đời của ông Modi", nhà báo Nilanjan Mukhopadhyay, tác giả cuốn hồi ký xuất bản năm 2013 về Thủ tướng Modi, nhận xét về tình tiết trong phim khắc họa sự đau khổ của ông Modi trước cuộc bạo động năm 2002 ở bang Gujarat, khiến hơn 1.000 người, đa phần là người Hồi giáo, thiệt mạng. Trên thực tế, ông Modi lúc bấy giờ đã bị phương Tây cáo buộc không làm gì để ngăn chặn bạo động xảy ra, thậm chí, Mỹ đã không cấp thị thực cho ông Modi để biểu thị sự phản đối.
Nhà báo Mukhopadhyay cũng chỉ ra rằng phân cảnh nhân vật Modi phất cờ trước "mưa đạn" của quân địch nhằm mục đích "ráp nối" quá khứ của lãnh đạo này với vị thế chính trị hiện tại của đảng BJP sao cho "ăn khớp".
Năm 1992, ông Modi, khi đó là một thành viên của đảng BJP, cùng chủ tịch đảng tham gia một cuộc tuần hành từ phía nam lên phía bắc Ấn Độ và kết thúc bằng màn kéo cờ ở thung lũng Kashmir. Nhưng nhà báo Mukhopadhyay cho biết cuộc tuần hành vấp phải sự kháng cự có vũ trang của các tín đồ đạo Sikh ở bang Punjab, chứ không phải từ quân đội ở vùng tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.
Mukhopadhyay cho rằng bộ phim đã đánh trúng vào tâm lý "bài Pakistan" của công chúng và giúp đảng BJP lẫn Thủ tướng Modi "ghi điểm" nhờ chính sách cứng rắn liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. "Lý lịch của ông ấy đã bị bóp méo để cho có tính thời sự", nhà báo nhận xét.
Đạo diễn phim thừa nhận một số chi tiết trong phim "có một chút hư cấu" với lý do "đảm bảo khán giả thích các tình huống và phân cảnh phim, cũng như cả bộ phim và nhân vật chính".
Đảng Quốc đại cho rằng không nên cấp phép cho bộ phim được chiếu trước thời điểm bầu cử. Ngoài một bộ phim điện ảnh về Thủ tướng Modi, một series phim truyền hình dài 10 tập với tựa đề "Hành trình của một người đàn ông bình thường", dự kiến lên sóng trong tháng 4, cũng kể về cuộc đời của chính trị gia này.
Trước đó, hồi tháng 1, bộ phim "Thủ tướng Ngẫu nhiên", kể về cuộc đời của cựu thủ tướng Manmohan Singh, người tiền nhiệm của ông Modi, vấp phải sự chỉ trích sau khi giới quan sát cho rằng bộ phim là một bước đi nhằm suy giảm uy tín của của đảng Quốc đại Ấn Độ. Cựu thủ tướng Manmohan Singh từng là chủ tịch đảng này.
Một bộ phim khác, có tên "Surgical Strike", miêu tả việc lính đặc nhiệm Ấn Độ tiến hành các cuộc "tấn công phẫu thuật" chính xác dọc Ranh giới Kiểm soát ở Kashmir, đường biên giới quốc tế thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan. Chiến dịch tấn công này diễn ra sau khi 4 kẻ khủng bố xâm nhập vào doanh trại Ấn Độ ở Uri, thuộc vùng Jammu và Kashmir, sát hại 18 lính tháng 9/2016. Bộ phim càng giúp củng cố hình ảnh của Thủ tướng Modi như là một lãnh đạo theo chủ nghĩa yêu nước.
Cụm từ "tấn công phẫu thuật" hiện trở thành câu khẩu hiệu được các cử tri ủng hộ đảng BJP sử dụng rộng rãi. Trong chiến dịch tranh cử lần này, Thủ tướng Modi nhắc lại sự kiện năm 2016 và nói chỉ có ông mới "có đủ dũng cảm để tiến hành các cuộc tấn công phẫu thuật trên bộ, trên không và trong vũ trụ".
Trong hàng chục năm qua, ngành công nghiệp điện ảnh Ấn Độ bị kiểm soát chặt chẽ bởi một ủy ban kiểm duyệt, hiếm khi người ta thấy những bộ phim được sản xuất với mục đích chính trị công khai. Do vậy, hàng loạt bộ phim gần đây là hiện tượng "chưa có tiền lệ", theo nhà phê bình Sen.
Giới phân tích cho rằng phim ảnh có thể tác động đến các quyết định của cử tri nhiều hơn người ta tưởng. "Vấn đề là ở nông thôn và ở những vùng dân trí thấp, người dân có thể bị tác động bởi một bộ phim hoành tráng như thế này", Sen nói. "Người ta cứ cho rằng những gì ở trên phim đều đúng sự thật".
An Hồng (Theo BBC)