Chiều 28/5, thảo luận ở tổ về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu Bùi Thị An nhất trí với việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm nhưng phải lựa chọn các chức danh gắn với quản lý Nhà nước, nhất là các vị trí nhạy cảm. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ làm cho Quốc hội thực quyền hơn, và Chính phủ sẽ nâng cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang nhất trí lấy phiếu tín nhiệm hàng năm và nếu một lần chức danh đó không đủ tín nhiệm thì nên thực hiện quy chế từ chức vì lúc đó không còn tín nhiệm để điều hành bộ, ngành mình quản lý.
Còn đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị, nên quy định 2 lần bỏ phiếu không đạt tín nhiệm mới xem xét miễn, bãi nhiệm. Riêng vị trí chủ chốt kỳ họp trước bỏ phiếu không đạt tín nhiệm thì kỳ họp tới bỏ phiếu tiếp không đạt phải bãi nhiệm ngay chứ không thể lần một bỏ phiếu không đạt rồi chờ đến gần hết nhiệm kỳ mới bỏ phiếu lần hai, không đủ tín nhiệm lúc đó mới miễn, bãi nhiệm.
"Danh sách chức danh lấy phiếu tín nhiệm cũng phải lấy ý kiến cử tri và các đại biểu Quốc hội rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đưa vào danh sách chứ không phải chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên danh sách để lấy phiếu tín nhiệm", đại biểu Diệu Thúy nêu quan điểm.
![]() |
Đại biểu Ngô Văn Minh: "Có nhiều ý kiến băn khoăn liệu bỏ phiếu tín nhiệm hay lấy phiếu tín nhiệm". Ảnh: Tiến Dũng. |
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, mỗi kỳ họp nên bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Và để đại biểu có cơ sở bỏ phiếu tín nhiệm, việc phê chuẩn các chức danh tại Quốc hội phải có số dư, có chương trình hành động để đại biểu giám sát những việc đã và chưa làm được.
Cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm không phải là đổi mới bởi đã được quy định tại Luật tổ chức Quốc hội và Luật hoạt động Giám sát của Quốc hội, đại biểu Võ Thị Dung đề nghị cần sớm có quy chế cụ thể để thực hiện bởi "nếu đến cuối nhiệm kỳ vẫn chưa thực hiện là có lỗi với dân".
Trong khi đó, đại biểu Ngô Văn Minh lại đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu việc bỏ phiếu tín nhiệm và chưa đưa vấn đề này ra tại kỳ họp tới bởi quy định này có từ 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. "Có nhiều ý kiến băn khoăn liệu bỏ phiếu tín nhiệm hay lấy phiếu tín nhiệm vì thực tiễn Quốc hội có trường hợp muốn cách chức một vị nhưng cơ quan trình lại đòi miễn nhiệm", ông Minh nói.
Liên quan tới đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Đương cho rằng, cần đưa việc thực hiện lời hứa của Quốc hội với cử tri vào đề án bởi nếu không đại biểu rất khó trả lời mỗi khi tiếp xúc cử tri. Theo ông, công tác giám sát hiện nặng về nghe báo cáo và phải giao cho các ủy ban thực quyền trong giám sát, tránh tình trạng một số đoàn đại biểu Quốc hội đi giám sát nhưng một số nơi không cho vào.
Không hài lòng về hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn lại sự việc xảy ra ở Tiên Lãng (Hải Phòng): "Đại biểu Quốc hội ngay tại Hải Phòng nhưng báo chí đăng rất lâu không thấy phát biểu gì, trong khi cử tri bầu lên và họ cần tiếng nói của đại biểu. Chưa đề cập là đại biểu nói đúng hay nói sai nhưng ít nhất phải đến tận nơi, xem xét tình hình và tỏ rõ thái độ".
Thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, đại biểu Đỗ Văn Đương bức xúc: "Thanh thiếu niên giết người tại sao không sửa Luật hình sự để cho Lê Văn Luyện thảm sát cả nhà ở Bắc Giang mà chỉ bị 18 năm tù. Ở nhiều nước, thấy chế định nào dù chỉ một điều nhưng giải quyết được nhiều bức xúc thì họ sửa ngay, ví dụ như Luyện có thể xử tới 30 năm tù".
Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị nên xây dựng Luật toàn vẹn lãnh thổ. Còn đại biểu Nguyễn Bắc Son cho rằng cần đưa Luật biểu tình vào chương trình chuẩn bị và nếu đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật này thì càng tốt. |
Tương tự, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hiện vấn đề cử tri bức xúc nhất là Luật đất đai và nhiều vấn đề bất ổn bắt đầu từ đây nhưng "chúng ta cứ tránh né hoài mà không sửa ngay". Và việc chậm trễ sửa luật này cũng như giống như "bệnh nhân lâm trọng bệnh đến bệnh viện được bác sỹ khuyên về chờ vậy".
Lo lắng về việc có lợi ích nhóm trong xây dựng dự án luật, nhất là lợi ích nhóm của cơ quan chủ trì xây dựng luật, đại biểu Chu Sơn Hà chia sẻ: "Hình như phát biểu về dự án luật tại Quốc hội có sự sắp xếp nào đó. Có đại biểu đăng ký sớm nhưng thứ tự phát biểu lại ở vị trí 30. Những ý kiến đồng thuận với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại được phát biểu trước, như trong Luật công đoàn vừa qua".
Theo ông Hà, cần công khai các dự án luật để cử tri cũng được tham gia vào làm luật và sẽ thoải mái khi thực thi luật mà mình góp phần xây dựng.
Tiến Dũng