Chủ nhật, 5/1/2025
Thứ sáu, 3/1/2025, 15:15 (GMT+7)

Bộ nữ trang dâng cúng nữ tướng Lê Chân trở thành bảo vật quốc gia

Hải Phòng16 nhóm hiện vật độc bản bằng vàng do người dân thời Nguyễn chế tác để cúng nữ tướng Lê Chân vừa được công nhận bảo vật quốc gia.

16 hiện vật thuộc bộ kim phẩm đền Nghè. Ngôi đền nằm ở phường An Biên, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, thờ nữ tướng Lê Chân (20-43), vị tướng tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thế kỷ I.

Các hiện gồm lá trầu vàng, chùm cau vàng, 4 thẻ bài vàng, lá vàng trơn, quạt vàng, ba đôi bông tai vàng, hai hộp sáp môi vàng, đôi vòng vàng, chuỗi hạt vàng và bộ cúc vàng. Nổi bật là chuỗi 999 hạt được chế tác từ vàng ta 24K bằng phương pháp đúc khuôn. Hạt hình khối cầu, giữa thân có lỗ tròn, bề mặt trơn, đường kính và kỹ thuật chế tác tương đồng.

Lá trầu và chùm quả cau nặng 22,6, bằng vàng 95% được chế tác sống động, bảo quản khá nguyên vẹn. Đây là hai vật phẩm không thể thiếu trong các đồ tế lễ, thờ cúng thần thánh, tổ tiên.

Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt, dâng trầu cau là nghi thức quan trọng, thể hiện sự thành kính, ngưỡng vọng của người dân với các bậc thánh thần.

Cặp kim bài có chữ "Dực Bảo Trung Hưng" - "Trang Huy Thượng Đẳng Thần", làm bằng vàng từ 95% đến 97%. "Dực bảo trung hưng" là mỹ tự được gia phong cho thánh mẫu Lê Chân trong sắc phong niên hiệu Thành Thái (19/8/1903).

Kim bài hình chữ nhật, diềm thân gò nổi các dải hoa chanh liền nhau. Bên trong dải hoa, viền nền được tạo tác dạng các dấu tròn nhỏ. Hình rồng uốn khúc, thân dài, đuôi đốm lửa (đặc trưng hình tượng rồng triều Nguyễn), chầu mặt nhật, đầu hướng về đỉnh thẻ bài.

Theo tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng, năm 1959, nhận nhiệm vụ trông coi đền Nghè, ông Phạm Bá Hùng gửi bộ kim phẩm này vào Ngân hàng Quốc gia Việt Nam theo quy định thời bấy giờ, tổng trọng lượng gần 4 lạng. Năm 1976, số vàng này tiếp tục được gửi ở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Hải Phòng.

Nhận thấy để các hiện vật quá lâu trong ngân hàng không phát huy được giá trị văn hóa lịch sử, đầu năm nay Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã có văn bản đề nghị ngân hàng bàn giao cho bảo tàng.

Thẻ bài được chế tác từ chất liệu vàng ta 24K (98% hàm lượng), có dạng hình hồ lô, đỉnh và chân có lỗ tròn nhỏ.

Lá bài trang trí dập chìm dải băng tròn nhỏ ở diềm. Chính giữa thẻ bài dập dòng chữ lớn Thù Ân (酧恩), tức báo ân và dòng chữ nhỏ bên cạnh Cam Nhuận Chi (甘润芝).

Thẻ bài được chế tác từ chất liệu vàng ta 24K, hình chữ nhật, 4 góc bo tròn, các cạnh thuôn cong về giữa. Một mặt của kim bội khắc hai dòng chữ Hán Nôm ghi: Trung thiên thánh mẫu (中天聖母) và tên người Phan Trần Bắc (潘陳北). Viền bao quanh kim bội được đục lỗ tròn lõm ở mặt có hai dòng chữ to, hai đầu kim bội đục lỗ để xỏ dây đeo.

Căn cứ những chữ trên, các nhà nghiên cứu tạm thời nhận định nhóm cổ vật này có từ thời nhà Nguyễn, khoảng năm 1920-1927, được người dân cung tiến đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân.

Đôi vòng được chế tác từ chất liệu vàng ta 24K, thân rỗng, mặt được làm trơn không trang trí hoa văn.

Hai nửa vòng được ghép nối với nhau bằng hình thức đinh tán, khóa vòng là núm tròn nhỏ, trang trí cách điệu giống hình hoa cúc với 11 tia. Đầu phía khóa được gắn thêm dây xích mắt cá, ở một đầu dây xích được gắn hình trái tim, đầu kia gắn hình ngôi sao 5 cánh.

Ba đôi bông tai, hai hộp sáp môi, bộ cúc và quạt vàng. Đây là nhóm hiện vật đặc trưng cho việc thờ nữ thần - thánh mẫu Lê Chân.

Theo các chuyên gia, bộ kim phẩm đền Nghè không chỉ mang tính độc bản, hình thức độc đáo mà còn cho thấy sự phát triển đỉnh cao của kỹ thuật chế tác kim hoàn thời Nguyễn.

Một trong ba đôi bông tai được chế tác từ vàng ta, dạng hình cầu rỗng, thân có 8 ô tròn nhỏ, các móc tròn được uốn đính với 6 cánh chuồn trang trí xung quanh, trong lòng cánh chuồn uốn chi tiết dạng xoắn ốc.

Mỗi bông tai được chế tác để một thẻ bài gắn vào phần trang trí, diềm là các ô tròn xếp lồng nhau, chính giữa uốn chữ 㳟 (Cung) và 進 (Tiến). Phần đá quý đính trong các ô tròn nhỏ đã mất.

Bộ kim phẩm đền Nghè đang được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng.

Lê Tân