Sáng 9/11, Quốc hội làm việc về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.
Tại điều 47 dự thảo Luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị quy định tên phân bón "không được vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống của Việt Nam; không trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm".
Bên cạnh đó, tên phân bón khi đăng ký không được trùng với tên phân bón đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam, không làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng, thành phần và loại phân bón...
Cũng theo dự thảo Luật, mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho hay, thị trường phân bón Việt Nam rất đa dạng, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn phổ biến. Do vậy, quy định như trên là cần thiết để tránh hiện tượng cùng một công thức phân bón, cùng hàm lượng, chỉ tiêu nhưng lại được doanh nghiệp đăng ký dưới nhiều tên thương mại, gây cho người tiêu dùng hiểu lầm là có nhiều loại phân bón khác nhau.
"Mặt khác, quy định này không hạn chế việc doanh nghiệp đứng tên nhiều loại sản phẩm phân bón khác nhau với các công thức, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng khác nhau", ông Dũng nói.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bác sĩ tại bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu băn khoăn về điều 44, quy định việc nhập khẩu phân bón. Cụ thể, khoản 2 điều này quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu thuộc một trong các trường hợp: Phân bón để khảo nghiệm, phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí, phân bón tham gia hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học...
Theo ông Quân, mục đích của doanh nghiệp khi mang phân bón tham gia hội chợ triển lãm là để người dân biết và mua về sử dụng. Do vậy, nếu loại phân bón này không được kiểm tra chất lượng, khi người dân mua về mà sản phẩm không đạt chuẩn thì sẽ gây ảnh hưởng; đặc biệt là với đồng bào vùng sâu, trình độ kiến thức giới hạn. Vì vậy đại biểu Quân đề nghị ban soạn thảo xem lại nội dung quy định trên.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 20/11.