Đó là đề xuất của Bộ Nội vụ tại dự thảo đề án thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Bài thi kiểm định gồm nội dung về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học, thời lượng ít nhất 180 phút.
Các chuyên gia, nhà quản lý, cơ quan sử dụng công chức sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi, tiếp cận theo hướng tư duy mới trên cơ sở khung năng lực cần thiết đối với một công chức.
Theo Bộ Nội vụ, việc kiểm định không chỉ là đánh giá kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học của thí sinh như các nội dung tuyển dụng công chức trong giai đoạn vừa qua, mà sẽ đánh giá tổng hợp, toàn diện năng lực của thí sinh dự tuyển, như: Hiểu biết về nhiệm vụ, trách nhiệm, sự sẵn sàng đảm đương vị trí công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển.
Thí sinh dự thi nếu trả lời đúng 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi, sẽ được đơn vị kiểm định cấp giấy chứng nhận. Đây là cơ sở để các cơ quan tuyển dụng công chức thực hiện các bước tiếp theo. Giấy chứng nhận có giá trị 12 tháng kể từ ngày cấp để thí sinh đăng ký tuyển dụng vòng một, có giá trị trong cả nước và cho tất cả các vị trí tuyển dụng.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào sẽ được thực hiện trên máy tính, thí sinh biết kết quả ngay sau khi làm bài và sẽ được cấp giấy chứng nhận sau 5 ngày làm việc.
Địa điểm kiểm định chất lượng tập trung sẽ được tổ chức tại Hà Nội, TP HCM, Thừa Thiên - Huế và Buôn Ma Thuột. Trường hợp các thí sinh không có điều kiện kiểm định tại 4 địa điểm trên, đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào bố trí nhân sự, phần mềm, ngân hàng đề thi để thực hiện kiểm định tại địa phương.
Kỳ kiểm định chất lượng đầu vào tập trung sẽ được thực hiện ít nhất 2 lần mỗi năm. Các thí sinh không đạt yêu cầu có thể đăng ký thi lại sau 6 tháng kể từ khi kiểm định không đạt ở lần trước.
Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với các cơ quan trung ương từ năm 2021-2022. Giai đoạn sau năm 2022 thực hiện đồng bộ các nội dung của đề án.
Theo quy định hiện hành, việc tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo hai vòng. Vòng 1 thi trắc nghiệm về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học để bảo đảm chính xác trong việc chấm thi và thuận tiện trong ứng dụng công nghệ thông tin. Vòng 2 là thi chuyên môn nghiệp vụ bằng hình thức phỏng vấn, thực hành hoặc thi viết do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định.
Bộ Nội vụ thừa nhận vòng 1 kỳ thi hiện nay còn bất cập ở một số địa phương. Nội dung đánh giá chưa có tính suy luận, phân tích, nặng về kiểm tra kiến thức mà thiếu sự đánh giá về khả năng vận dụng tri thức, thái độ và tinh thần trách nhiệm nên chưa kiểm định được đầy đủ năng lực thí sinh. Tính chuyên nghiệp trong thực hiện vòng 1 kỳ thi chưa cao để đáp ứng yêu cầu của đổi mới thi tuyển công chức.
"Nếu đề xuất được người dân, Chính phủ đồng tình, kỳ thi chung này sẽ thay thế cho vòng 1 quá trình tuyển dụng công chức, viên chức. Khi đó, chất lượng, mặt bằng chung của công chức cả nước sẽ được đảm bảo", đại diện Bộ Nội vụ nói và cho biết, sau khi có giấy chứng nhận kiểm định đầu vào, thí sinh ứng tuyển vào vị trí nào sẽ thi tiếp nghiệp vụ chuyên ngành vì mỗi vị trí việc làm cần có yêu cầu riêng.
Tại dự thảo, Bộ Nội vụ cũng đề xuất phương án là tiếp tục đổi mới các nội dung thi tuyển công chức được nêu tại nghị định 161, theo hướng tăng thời lượng, tăng số câu hỏi nhằm tạo cơ sở đánh giá toàn diện hơn năng lực của thí sinh. Số lượng câu hỏi môn kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học dự kiến là 100 câu mỗi môn.
Nội dung câu hỏi tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) thay vì đánh giá kiến thức đơn thuần được trang bị trong hệ thống giáo dục quốc dân.