Trong công văn vừa gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành, Bộ Nội vụ cho biết trong bối cảnh kinh tế, xã hội khó khăn do tác động của Covid-19, đời sống, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Dù các cơ quan, địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều người vẫn quyết định rời cơ quan Nhà nước.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, đặc biệt là cấp cơ sở. Từng đơn vị cần cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết nhân viên. Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cần đổi mới, tạo cơ hội, điều kiện phát triển cho công chức, nhất là người trẻ.
"Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp tham mưu hoàn thiện chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", văn bản nêu.
Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền thực hiện chính sách cải cách tiền lương vào thời điểm phù hợp, trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước; đồng thời tham mưu, đề xuất chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công. Bộ cũng phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ và cơ quan chức năng hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trụ sở Bộ Nội vụ tại phố Tôn Thất Thuyết, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: HT
Chiều 19/9, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự Luật giá (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Bộ đang "rất khó khăn" về nhân sự. "Một số anh em xin thôi việc, kể cả vụ phó, trưởng phòng cũng xin nghỉ. Tôi phải gặp, động viên suốt", ông Phớc nói.
Hiện chưa có thống kê nào về cán bộ ngành tài chính thôi việc, nhưng trong lĩnh vực y tế đã có gần 10.000 nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6 năm nay. Tỷ lệ nhân viên y tế thôi việc cao nhất ở TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng.
Nhiều địa phương cũng ghi nhận "sóng ngầm" thôi việc nhà nước. Như tại TP HCM, theo số liệu của UBND TP HCM gửi Bộ Nội vụ, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, thành phố ghi nhận gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, là mức cao nhất trong 7 năm gần đây.
Võ Hải