Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định 108/2014 của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Theo Thông tư, các bộ ngành địa phương được sử dụng không quá 50% số biên chế đã tinh giản và 50% biên chế giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định (trừ cán bộ, công viên chức cấp xã) cho tuyển dụng mới.
Trong trường hợp bộ, ngành và địa phương không thực hiện được tinh giản biên chế thì khi thành lập tổ chức mới hoặc triển khai nhiệm vụ mới được phải tự cân đối trong tổng biên chế được giao.
Dự thảo cũng quy định, với những người về hưu trước tuổi, nếu đủ 50- 53 tuổi đối với nam và 45 - 48 tuổi đối với nữ có thời gian đóng bảo hiểm đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, ngoài chế độ theo quy định, còn được hưởng thêm chế độ như không bị trừ lương, được trợ cấp ba tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu...
Với người dưới 45 tuổi nếu có nguyện vọng đi học nghề để tìm việc làm mới, sẽ được hưởng một số chế độ như hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan đóng bảo hiểm xã hội, y tế trong thời gian đi học nghề tối đa 6 tháng. Ngoài ra, những người này còn được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề và được cấp ba tháng lương hiện hưởng.
Những người dưới 53 tuổi với nam, dưới 48 tuổi với nữ và không đủ điều kiện hưởng chính sách về hưu trước tuổi nếu thôi việc ngay thì được hưởng trợ cấp ba tháng tiền lương hiện hưởng; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng.
Với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp thấp hơn so với vị trí cũ, thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời gian giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử.
Liên quan đến đề án tinh giản biên chế, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 bế mạc chiều 12/1, Trung ương nhấn mạnh, cần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút được những người có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị công lập của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội.
Cuối năm ngoái, một viên chức đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ nguyên chức vụ cũ, gây xôn xao dư luận. Đó là trường hợp của bà Đặng Bé Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. Theo quy định bà Nam sẽ nghỉ hưu vào ngày 1/6/2015, nhưng ngày 4/12/2014, giám đốc Sở Y tế Cà Mau quyết định tái bổ nhiệm bà giữ chức vụ thêm 3 năm tính từ ngày 1/12. Vị giám đốc Sở thừa nhận việc bà Nam được tái bổ nhiệm là ngoại lệ, vì theo quy định thì không đủ điều kiện, nhưng do bà Nam là người có năng lực lãnh đạo tốt trong công việc và chưa có người thay thế.
Trong khi đó, Nghị định 71 ban hành năm 2000 cho phép kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức sau tuổi nghỉ hưu với những đối tượng là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, những người thực sự có tài, có cả hội đồng để đánh giá. Nhưng nghị định cũng nêu rõ “trong thời gian công tác kéo dài thêm, cán bộ, công chức không được giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý”.
Trong phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính và các hội có tính chất đặc thù hoạt động trên cả nước của Thủ tướng năm 2015 nêu rõ, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2015 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp công lập và công chức cấp xã) là 277.055 (giảm 4.659 người so với năm 2014). |
Xem dự thảo Thông tư đầy đủ tại đây
Hương Thu