Ngày 18/12, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Nghệ An, do UBND tỉnh và Tập đoàn VNPT triển khai chính thức đi vào vận hành. Được ví như kho dữ liệu, nguồn tài nguyên số vô tận, hệ thống này cung cấp đầy đủ thông tin, phân tích xu hướng cũng như hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết sách điều hành, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính.
Cũng trong dịp này, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông và công nghệ thông tin giai đoạn 2020-2025., từng bước xây dựng hoàn chỉnh chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.
"Một trong 3 đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hiệu quả để thu hút đầu tư. Muốn vậy, phải ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử", Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết.
Với việc khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại Nghệ An, VNPT đã góp phần triển khai xây dựng những "bộ não thông minh" đến gần 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, bên cạnh Kon Tum, Bình Phước, Trà Vinh, Phú Thọ, Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, Hà Giang, Tây Ninh... Đây được coi là nền tảng cốt lõi trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Theo đó, các trung tâm IOC vận hành hơn 10 dịch vụ về giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, giám sát dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, dịch vụ kết nối người dân - chính quyền, giám sát, điều hành lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giám sát camera an ninh thông minh, camera an toàn giao thông và thông tin trên mạng xã hội.
Các hệ thống phần mềm lõi vận hành Trung tâm IOC được khảo sát, phân tích, thiết kế đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành, chỉ huy của từng địa phương. Tập đoàn VNPT cung cấp hạ tầng, cài đặt, vận hành và khai thác hệ thống trên trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn Quốc tế tier3, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn thông tin, dữ liệu và an ninh mạng.
"Thông qua IOC, số liệu từ nhiều lĩnh vực hoạt động được thể hiện trực quan, sinh động, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt theo thời gian thực, từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng, sát với thực tế nhất, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc", đại diện VNPT cho biết.
Điểm đặc biệt của hệ thống còn nằm ở tính năng tương tác hai chiều giữa người dân và chính quyền. Người dân có thể tiếp nhận thông tin, phản ánh qua đường dây nóng đến lãnh đạo tỉnh, trên các lĩnh vực như trật tự đô thị, hành chính công, an ninh - trật tự, tai nạn giao thông... Điều này giúp tăng cường sự minh bạch, đồng thời góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
Cũng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, các dịch vụ hành chính công, công việc mang tính chất giấy tờ trước đây đã hoàn toàn được số hóa. Đơn cử, tại Phú Thọ, cùng với sự "lột xác" của hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông sau gần 5 năm hợp tác cùng Tập đoàn VNPT, quy trình điều hành trong các cơ quan quản lý tại đây cũng đã được xử lý bằng hệ thống phần mềm quản lý văn bản kết nối liên thông cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tất cả các sở, ban, ngành, huyện, thành thị tại đây thực hiện gửi nhận văn bản tích hợp chữ ký số. Đến tháng 8/2020 hệ thống tiếp nhận 150.000 hồ sơ, thực hiện giải quyết 145.000 hồ sơ đạt tỷ lệ 96% hồ sơ được xử lý trước hạn.
Hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh được triển khai đảm bảo kết nối liên thông với các hệ thống thông tin của trung ương và địa phương. Truyền hình trực tuyến được đầu tư đồng bộ với 243 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã đáp ứng được việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên môi trường điện Trang thông tin điện tử nâng cấp đáp ứng yêu cầu, cập nhật kịp thời, chính xác từ công tác chỉ đạo điều hành các cấp chính quyền, hỗ trợ thông tin đến người dân và doanh nghiệp.
Nhờ đẩy nhanh xây dựng chính phủ điện tử từ khá sớm, trong 2 năm (2018 và 2019) xếp hạng chính quyền điện tử của tỉnh này tăng 8 bậc, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước. Nhờ đó chỉ số cải cách hành chính của Phú Thọ xếp thứ 20 trong số 63 tỉnh, thành.
Là địa phương đầu tiên tiến hành xây dựng trung tâm IOC, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã kiểm soát và giải quyết được vấn đề "nóng" nhất, đó là quản lý và số hóa được toàn bộ dữ liệu về đất đai với khoảng 97.751 thửa đất trên toàn bộ địa bàn. Người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý chỉ cần mở ứng dụng, click vào có thể biết rõ thửa đất cần biết nằm ở vị trí nào, diện tích bao nhiêu, tình trạng sử dụng đất như thế nào, được phép xây dựng bao nhiêu tầng...
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc xây dựng thành công Trung tâm IOC TP Đà Lạt là một bước tiến lớn trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, tạo lợi ích thiết thực nhất trong phục vụ người dân, du khách, doanh nghiệp. "Cùng với chủ trương, định hướng của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và sự hỗ trợ hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin, tôi tin rằng phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sẽ là đơn vị đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin", vị này nói.
Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2025, Việt Nam vào top 4 quốc gia hàng đầu về Chính phủ điện tử tại ASEAN và nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử thế giới. Những tập đoàn công nghệ thông tin lớn, trong đó VNPT đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số của đất nước, thông qua xây dựng khung chính quyền điện tử, nền tảng tích hợp, giải pháp đô thị thông minh.
Đóng góp vào phát triển Chính phủ điện tử, tập đoàn này đã xây dựng những hệ thống quan trọng như Trục liên thông văn bản Quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia... Với đô thị thông minh, VNPT hiện tư vấn, xây dựng các chiến lược và triển khai các giải pháp đô thị thông minh cho hơn 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Theo lãnh đạo VNPT, việc triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm IOC tại các tỉnh, thành sẽ tạo nền tảng, đòn bẩy và cú hích để các ngành, địa phương chung tay xây dựng chính quyền điện tử hướng đến số hoá cách thức quản lý nhà nước. "VNPT sẽ tiếp tục nỗ lực đồng hành cùng nhiều địa phương xây dựng chính phủ điện tử hiện đại, đáp ứng xu thế phát triển của công nghệ trong quản lý nhà nước", đại diện VNPT chia sẻ.
Phong Vân