Vợ chồng Alicia Gabriela, giám đốc marketing người Tây Ban Nha đang làm việc tại TP HCM, năm ngoái hạnh phúc đón "thiên thần nhỏ" chào đời. Năm nay, khi con trai chuẩn bị vào học mầm non, họ nhắm tới một trường quốc tế. Nhưng khi nhìn bảng học phí các trường này, Gabriela và chồng người Hà Lan nhanh chóng đối mặt nhiều lo toan.
Việt Nam có 33 cơ sở giáo dục liên cấp có vốn đầu tư nước ngoài, thường được gọi là trường quốc tế, trong đó Hà Nội có 13 cơ sở, TP HCM có 20 cơ sở. Các trường này thu học phí hàng trăm triệu đồng một năm, tăng dần từ mầm non đến cấp trung học.
Với các trường quốc tế ở TP HCM đã công bố tuyển sinh năm nay, học phí bậc mầm non ở mức 124-457 triệu đồng một năm, tiểu học 151-684 triệu đồng, trung học 210-924 triệu đồng. Trường quốc tế ở Hà Nội cũng có mức học phí cao nhất hơn 800 triệu đồng, chưa tính các loại phí khác. Dù có thu nhập cao, vợ chồng Gabriela cho hay những mức học phí này cao hơn so với dự tính của họ.
"Một năm học ở TP HCM đắt gấp đôi mức học phí 8.700 USD tôi chi để học đại học, thạc sĩ tại một trường kinh doanh hàng đầu châu Âu. Chúng tôi kiếm gần 160.000 USD mỗi năm, nhưng việc đóng học phí cho con theo học lâu dài ở trường quốc tế có thể làm xoay chuyển toàn bộ kế hoạch tiết kiệm, đầu tư, du lịch của hai vợ chồng", cô nói với VnExpress.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 3/2022, khoảng 100.000 người nước ngoài được cấp phép làm việc tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Long An, Đà Nẵng. Nhiều người nước ngoài sinh con và có kế hoạch định cư lâu dài ở Việt Nam.
Adam Lewis, giáo viên người Mỹ 60 tuổi từng nhiều năm giảng dạy tại ba trường THPT công lập hàng đầu ở TP HCM, cho hay trường công là một lựa chọn thay thế, nơi có nhiều học sinh "thông minh, tài năng, ham hiểu biết và học hỏi".
Tuy nhiên, con em người nước ngoài ở Việt Nam muốn theo học trường công phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Theo Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, học sinh người nước ngoài học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam cần đảm bảo điều kiện về học vấn, sức khỏe, tuổi và ngôn ngữ.
Nhiều phụ huynh nước ngoài đánh giá quá trình này rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Nhiều em được bố mẹ đưa tới Việt Nam sinh sống không đáp ứng các yêu cầu về tuổi để vào học trường công, cũng như vấp nhiều trở ngại về khác biệt ngôn ngữ.
Phương pháp giảng dạy ở các trường công lập cũng là vấn đề khiến một số cha mẹ ngoại quốc băn khoăn, ngay cả khi con đủ tiêu chuẩn.
Mark, 31 tuổi, người làm giáo viên tiếng Anh ở TP HCM từ năm 2017, cho rằng các trường công tại TP HCM không phải là lựa chọn tốt nhất cho con, bởi chương trình giảng dạy quá nặng, nhiều môn và thiên về lý thuyết và ít thực hành.
Elizabeth Homfray, đồng quản trị viên một trong những hội nhóm người nước ngoài lớn nhất tại TP HCM, cho hay gần như ngày nào cũng nhận được tin nhắn nhờ tư vấn từ những người nước ngoài lo lắng chuyện học cho con em.
Sau 16 năm sinh sống tại thành phố, bà Homfray "không nhớ nổi" có bao nhiêu gia đình nước ngoài tới đây mà không thực hiện bất kỳ nghiên cứu, tìm hiểu nào về hệ thống giáo dục địa phương cho con cái.
"Họ đinh ninh rằng có thể dễ dàng gửi con đến các trường công lập như ở quê nhà, nhưng đây là suy nghĩ sai lầm", bà cho hay. Điều này khiến nhiều cha mẹ ngoại quốc gần như coi trường quốc tế là lựa chọn duy nhất cho con.
Vợ chồng Gabriela cũng cân nhắc một trường song ngữ Pháp - Việt tại TP HCM. Tuy nhiên, vợ chồng cô đã sử dụng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Hà Lan tại nhà, còn con trai cũng tiếp xúc với tiếng Việt nhờ môi trường xung quanh, nên việc học thêm tiếng Pháp có thể quá sức với đứa trẻ.
"Chúng tôi không thể tìm được trường nào hài hòa về ba tiêu chí giảng dạy, ngôn ngữ và học phí", cô nói. "Tình hình này có thể buộc chúng tôi rời Việt Nam trở lại châu Âu vì tương lai của con trai".
Đề cập đến những khó khăn mà người nước ngoài gặp phải trong vấn đề này, bà Homfray kể lại câu chuyện của một ông bố người Anh từng nhắn tin nhờ bà tư vấn để tháo gỡ bế tắc khi cho con gái theo học tại TP HCM hồi tháng 7 năm ngoái.
Cô bé 13 tuổi mang hai quốc tịch Anh - Việt này từng theo học một trường song ngữ tại TP HCM, nhưng trở về Anh học trong ba năm đại dịch Covid-19.
Sau dịch, gia đình quay lại TP HCM và tìm mọi cách để cho con tiếp tục theo học tại đây. Nhưng vì cô bé đã bỏ lỡ ba năm học tại Việt Nam, không cơ sở giáo dục nào tiếp nhận, kể cả trường cũ.
"Gia đình họ sau đó tìm một trường quốc tế chỉ giảng dạy tiếng Anh, nhưng không thể kham nổi học phí gần 500 triệu đồng mỗi năm, chi phí mà họ thậm chí chưa từng nghĩ đến", bà Homfray kể lại. Bà sau đó liên hệ với ông bố để hỏi về hướng giải quyết của gia đình, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Brian, 36 tuổi, lập trình viên hoạt động tự do tại Nha Trang, cho biết đã phải tính toán rất nhiều về giáo dục cho con, bởi đây là chuyện hệ trọng. Anh đánh giá mô hình song ngữ dường như là lựa chọn tốt nhất cho các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi đi học, khi triển khai cả chương trình giảng dạy tiếng nước ngoài lẫn tiếng Việt.
"Trường song ngữ hoạt động như trường quốc tế, nhưng có thể giúp học sinh tránh kịch bản bị rơi khỏi hệ thống giáo dục Việt Nam khi phải chuyển trường", anh nói.
"Nếu theo đuổi trường quốc tế mà tài chính gia đình gặp biến động, con sẽ rất khó tham gia vào hệ thống giáo dục công và dân lập của Việt Nam mà không phải học lại", Brian phân tích.
Đức Trung