Chị Thục (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ khi lên cấp 3, con gái chị thích ăn diện, kẻ mắt, bôi môi, làm chị khó chịu. Nghĩ chắc con gái học đòi từ mấy đứa bạn nên chị hay mắng cháu: "Học không lo, suốt ngày quần áo đầu tóc thì chỉ đứng đường. Toàn chơi với mấy đứa ham ăn diện chơi bời thế hỏng người ra".
Ban đầu, con gái cãi lại mẹ, bênh bạn, chê chị "quê" nhưng sau nhiều lần, cô bé bỏ ngoài tai lời mẹ, lầm lỳ không đáp lại. Sáng ra Hà My trang điểm rồi đến trường luôn, chiều về cô bé chui vào phòng, mẹ hỏi han gì chỉ đáp cộc lốc rồi tìm cách tránh đi.
"Gặp bạn thì nó nói cười không ngớt, còn ở nhà câm như hến. Cái áo rất đẹp mẹ mua cho chỉ cần bạn chê một câu là bỏ luôn. Thấy con chăm ăn diện, lười học, mình bực không chịu nổi nhưng nói nó cứ trơ ra", chị Thục than.
Bố mẹ Tùng (Đông Anh, Hà Nội) cũng đang phiền muộn vì con trai lớp 10 bỗng đổi tính, không coi bố mẹ ra gì. Nhà ở ngoại thành, hết cấp 2, thi được vào một trường chuyên ở Hà Nội, Tùng lên thành phố học và được bố mẹ gửi gắm ở nhờ nhà người chú ruột, gần trường. Hết học kỳ đầu tiên, Tùng chơi thân với một nhóm bạn thích nhảy hip hop và thường xuyên đi tập, đi xem nhảy nên hay về muộn, bị cô chú la mắng. Sẵn khó chịu, lại nghe các bạn xúi "dọn ra ngoài cho thoải mái", Tùng nằng nặc đòi bố mẹ thuê phòng ở riêng.
Bố mẹ Tùng nhất quyết không đồng ý, mắng con đua đòi, không biết thương bố mẹ ở quê làm lụng vất vả gửi tiền cho ăn học, thậm chí bắt Tùng về quê ngay nếu không tiếp tục ở nhà cô chú. "Thằng bé giờ phớt lờ bố mẹ, nhất nhất cái gì cũng bạn. Nó vẫn ở nhà chú nhưng tỏ vẻ chống đối, không thèm nghe điện của bố, cuối tuần không về nhà. Nó nghĩ đám bạn kia có thể nuôi nó chắc?", bố Tùng bộc bạch.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng, TP HCM, trong thế giới của trẻ tuổi teen, bạn bè cùng trang lứa là quan trọng nhất. Bố mẹ, thầy cô không còn là hình mẫu, có tầm ảnh hưởng lớn với trẻ như ngày chúng còn bé nữa. Trẻ ở lứa tuổi này trừ những lúc đi học ở trường, hay ăn cơm cùng gia đình, thời gian còn lại muốn dành cho riêng mình và bạn bè.
Nhiều bậc phụ huynh bày tỏ nỗi phiền muộn khi không thể dạy bảo hay trò chuyện với đứa con tuổi teen của họ. "Hồi con bé nhiều lúc chỉ muốn trốn vì nó bám riết lấy mình, mồm nói liên thanh. Giờ ở nhà nó lừ lừ như tàu điện. Bố mẹ nói như nước đổ đầu vịt, nhưng bạn bè rủ rê thì theo ngay" - là tâm tư của nhiều người.
Theo nhà tâm lý giáo dục, trẻ tuổi teen luôn muốn chứng tỏ mình đã lớn, thích được độc lập. Bố mẹ vẫn nghĩ con bé bỏng, cần quản lý nghiêm ngặt và hay áp đặt, dò xét các hoạt động của con. Trong khi đó, bạn bè cùng tuổi thường hiểu trẻ, sẵn sàng chia sẻ và ở cạnh, thậm chí vào hùa ngay cả khi trẻ sai. Bởi thế, chuyện trẻ chọn nghe lời bạn bè không có gì khó hiểu.
Một lý do khác khiến trẻ coi trọng bạn hơn gia đình là hiện nay không ít cha mẹ dành ít thời gian cho con do quá bận công việc, chuyện riêng, và mỗi khi gần con thì thường chỉ trách mắng những lỗi của trẻ như: học kém, ở bẩn, chơi với bạn xấu... Bố mẹ thì nghĩ đó là cách quan tâm tới con, muốn tốt cho con, nhưng điều đó lại khiến trẻ thấy khó chịu, tìm cách né. Và từ đó, sợi dây liên kết trong gia đình vốn đã không vững chắc, lại càng lỏng lẻo.
Để khắc phục điều này, theo bà Nguyễn Mỹ Linh, đầu tiên bố mẹ cần hiểu tâm lý con, biết trẻ muốn gì, cần gì, có gặp khó khăn, trở ngại nào về học tập hay các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè không. Từ đó luôn đồng hành cùng con, sẵn sàng "quân sư" khi con cần. Điều quan trọng nhất là, cần duy trì mối quan hệ gắn bó, tích cực với con ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Nhiều gia đình khi con bé thì phó mặc cho ông bà, người giúp việc, tới khi con bước vào tuổi "lỡ cỡ", có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, với các biểu hiện khác lạ thì mới lo lắng, quay ra đe nẹt, kiểm soát chặt chẽ trẻ.
Theo chuyên gia, giao tiếp với trẻ tuổi teen cần có nghệ thuật, để không xảy ra xung đột, vì mỗi lần "cãi cọ" với trẻ, cha mẹ làm mất đi cái uy của mình và khiến con khó phục. Khi gặp các vấn đề mâu thuẫn với con cái khó tìm được tiếng nói chung, phụ huynh có thể nhờ tới bên thứ ba, như một người thân trong gia đình, thầy cô hay bất kỳ ai trẻ tin cậy để hóa giải và giúp trẻ hiểu chuyện.
Lo lắng con bị bạn xấu lôi kéo, muốn kiểm soát các mối quan hệ bạn bè của con, bố mẹ phải biết trẻ chơi với ai, người đó như thế nào. Tuy nhiên, cần luôn thể hiện thái độ tôn trọng sự lựa chọn của con. Chẳng hạn, nếu trẻ chơi với một người bạn theo quan điểm của bố mẹ là xấu, thì thay vì ngay lập tức phê phán bạn con, bắt trẻ cắt đứt quan hệ, hãy điềm tĩnh trò chuyện với trẻ. Hỏi xem trẻ biết những gì về bạn, tại sao con quý người đó... rồi phân tích cho con biết những điểm hay, không hay khi chơi với bạn, sẵn sàng lắng nghe con nói hay chia sẻ ý kiến khi con hỏi, nhưng không áp đặt. Hãy dùng cụm từ "ba nghĩ...", "mẹ nghĩ..." thay vì "con phải...", "con không được"...
Nhà tâm lý cho biết, nhiều teen kết thân với bạn xấu hay có quan hệ mật thiết với người khác phái sớm là do tìm thấy sự chia sẻ, niềm vui, cảm giác yên tâm... bên những người này, điều chúng không nhận được ở gia đình. Bởi vậy, cách quản lý con tốt nhất là hãy luôn đem lại niềm vui, cho trẻ cảm thấy được yêu thương, chia sẻ và an toàn trong gia đình mình.
Vương Linh
*Tên nhân vật đã được thay đổi.