Câu chuyện cô gái 22 tuổi không nuôi em trai 2 tuổi nên bị bố mẹ kiện ra tòa đang là chủ đề nóng trên mạng xã hội Weibo, lẫn báo chí Trung Quốc.
Tình tiết của vụ việc rất đơn giản. Một cặp vợ chồng gần 50 tuổi, sống bằng các công việc bán thời gian, có một cô con gái tên Lili vào đại học vài năm trước. Lili học hành chăm chỉ, làm thêm và lấy tiền học bổng để lo chi phí ăn học.
Không có con trai luôn là nỗi đau của cặp vợ chồng này. Khi chính sách một con được nới lỏng, họ đã cố gắng sinh thêm con và được toại nguyện vào năm 2018. Nhưng cũng từ đó sức khỏe người mẹ xuống dốc. Năm ngoái người cha mắc bạo bệnh. Mọi tiền của trong nhà đều dồn để chạy chữa cho ông. Gia đình từ đó chủ yếu sống dựa vào tiền trợ cấp xã hội.
Mới đây, Lili ra trường. Bố mẹ muốn cô nuôi nấng em trai, song Lili không đồng ý. Cô nói: "Tại sao con lại phải nuôi em trai? Lúc cha mẹ sinh nó có từng hỏi ý kiến con không?".
Tranh cãi qua lại, cặp vợ chồng thấy không thể thuyết phục được Lili nên đã kiện con gái. Theo Luật Hôn nhân gia đình Trung Quốc, nếu cha mẹ không có khả năng nuôi con thì anh chị em có nghĩa vụ phải chăm sóc. Vì thế đối với đứa em 2 tuổi, trách nhiệm cấp dưỡng của Lili là không thể chối bỏ. Tòa án phán quyết Lili phải nuôi em.
Phán quyết này đã dấy lên làn sóng tranh luận kịch liệt. Một phe cho rằng Lili đã sống quá ích kỷ. Nhưng một phe khác bênh vực cô gái, cho rằng đằng sau chiến thắng của bố mẹ là nỗi uất ức và đau khổ của đứa con
"Vấn đề này hợp pháp nhưng không hợp tình. Cặp vợ chồng không có nguồn tài chính, sức khỏe ổn định mà vẫn chọn sinh con thứ hai là vô trách nhiệm với bản thân, gia đình, đứa con mới sinh và cả con gái lớn. Cô ấy mới ra trường, nuôi mình còn chưa nổi. Trong tương lai, tình yêu, hôn nhân của cô gái ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng vì chuyện này", một người bình luận.
"Vụ này nhìn qua thì nực cười, nhưng thực ra chẳng buồn cười chút nào. Đây là một bi kịch. Lili mới tốt nghiệp chưa gặp phải sự tàn nhẫn của xã hội, nhưng cô đã bị chính cha mẹ mình tàn nhẫn", người khác nói.
Trên thực tế, những vụ kiện cấp dưỡng nuôi em không phải chưa từng xảy ra. Cách đây không lâu, một người em út 13 tuổi ở tỉnh Hà Bắc, vì cha mất, mẹ ruột ốm đau, đã kiện các anh chị cùng cha khác mẹ khác, yêu cầu nuôi mình. Tòa án đã phán quyết mỗi người anh chị phải hỗ trợ 88 tệ/tháng (gần 300.000 đồng) nuôi em cho đến năm 18 tuổi. Tổng cộng mỗi tháng người em này nhận được 440 tệ (gần 1,5 triệu đồng) cấp dưỡng.
Năm 2018, một báo cáo của Đại học Kinh tế Tài chính Chiết Giang cho thấy có hơn 100 tân sinh viên có em đang trong độ tuổi sơ sinh. Do chính sách một con, nhiều gia đình sinh thêm con, dẫn đến chênh lệch tuổi tác giữa con lớn và con nhỏ lớn hơn 15 tuổi.
Bảo Nhiên (Theo Sohu)