"Bình thường nhắc nhẹ, nói nặng thế nào cu cậu cũng vẫn ỳ ra, từ ngày quy định trả công cho từng đầu việc như rửa bát 10.000, lau nhà 5.000, cọ toilet 15.000... thì bạn ấy hăng hái hẳn lên, còn tự biết lập bảng chấm công cho rõ ràng", chị Quyên (Từ Liêm, Hà Nội) kể.
Chị Quyên cho biết, mỗi tuần, chị sẽ phát lương cho con trai theo số đầu việc đã làm. Số tiền đó con cho vào lợn và nửa năm đập một lần để mua đồ mình thích. Cách này được áp dụng 2 năm nay và chị thấy con chủ động làm việc nhà hơn, làm với trách nhiệm cao, cẩn thận, gọn gàng chứ không quấy quá như trước.
"Tiền kiếm được bây giờ bạn ấy cũng biết lên kế hoạch để mua được những món lớn như xe đạp, đồ chơi đắt tiền chứ không mua linh tinh như hồi mới biết 'kiếm tiền' và ít đòi hỏi bố mẹ hơn. Tôi cũng cảm thấy yên tâm vì sau này nếu cho con đi du học, cháu ở xa gia đình thì cũng tự biết chăm sóc cho bản thân", chị Quyên nói.
Có điều kiện kinh tế, muốn con biết quý trọng đồng tiền, sức lao động và dần học cách quản lý tài chính cá nhân, nhiều gia đình ở các thành phố lớn tạo việc làm cho con. Đó có thể là chính các công việc trong gia đình nhưng cũng có thể là cho trẻ làm thêm.
Chị Bình (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, ngoài công việc chính là kế toán một công ty xây dựng, chị có nghề tay trái là bán đồ hải sản quê chồng và cậu con trai lớp 10 được huy động làm nhân viên giao hàng. "Thường bạn ấy chỉ làm khi rảnh và giao ở những địa điểm gần bằng xe đạp điện. Được trả lương mỗi lần 20-30 nghìn, cu cậu cũng hứng khởi", chị Bình kể.
Điều chị thấy hay nhất là từ khi làm việc cho mẹ, con trai chị thấu hiểu việc kiếm được đồng tiền vất vả thế nào nên cũng hạn chế đòi mẹ sắm các vật dụng đắt tiền.
"Bạn ấy cũng nhiều lần phải đi lúc trời nắng chang chang hay về gặp phải mưa rào, rồi có khi đến mà không gặp khách, không gọi điện được cho khách. Đó là những bài học thực tế còn giá trị hơn bao lời dạy dỗ", chị Bình tâm sự.
Một người bạn của chị Bình, có con gái đang học lớp 6, cũng được mẹ xin cho làm thêm việc gấp giấy ăn thuê vài tiếng vào hai ngày cuối tuần. "Nhà mình không thiếu thốn gì nhưng muốn cho cô tiểu thư này biết rằng kiếm được vài đồng bạc lẻ chẳng dễ dàng gì để bạn ấy chịu khó học hành hơn", người mẹ giải thích.
Chị Thanh Tâm, Tây Hồ, Hà Nội lại xin cho con làm một chân phục vụ tại quán cà phê ngay sát nhà. Để con được nhận vào làm, chị phải trực tiếp nhờ vả chủ quán và hứa sẽ đền tiền tất cả các cốc, bát con trai làm vỡ. Cậu nhóc lớp 10 tuần làm tại đó 4 buổi, trong đó có hai buổi chiều cuối tuần.
"Tháng lương đầu tiên bạn ấy sung sướng lắm, dành một nửa chiêu đãi kem cả nhà, còn một nửa cóp mua đôi giày đang thích", chị Tâm kể.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội chia sẻ, cô con gái duy nhất của chị cũng bắt đầu được mẹ xin cho việc làm thêm là đi phát tờ rơi từ năm lớp 6. Kể từ đó, dịp nghỉ hè nào bé cũng đi làm, khi thì phụ giảng cho các lớp hè, lúc làm gia sư. Các công việc đầu tiên của con đều do bố mẹ xin giúp nhưng về sau, khi con làm gia sư tốt, có uy tín, nhiều phụ huynh giới thiệu cho nhau và có lúc, cô bé phải từ chối bớt vì chưa sắp xếp được thời gian.
Chị Thu Hương chia sẻ, nhờ học cách tự lập và biết những vất vả khi kiếm tiền, 15 tuổi con gái chị đã có thể tự kiếm sống, tự chi tiêu hợp lý, tự lo cho mình 100% dù ở đâu và biết chăm sóc, lo lắng cho mẹ và những người xung quanh...
Theo chị, để con đi làm thêm, tự kiếm tiền khi còn ngồi trên ghế nhà trường là tạo cho con cơ hội trải nghiệm để học cách tự chịu trách nhiệm, biết cách xử lý các khó khăn trong đời thực và trưởng thành hơn. Chị rất vui những lần con bị phụ huynh học sinh mình dạy kèm mắng vì trẻ chậm tiến bộ hay con có việc đột xuất xin nghỉ dạy. "Đó là cơ hội để con biết nhận được đồng tiền không dễ dàng và đã làm gì cần cố gắng lớn thế nào mới thành công".
Chị Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, chuyên gia giáo dục tài chính, cán bộ dự án cao cấp Tổ chức Save the Children cho rằng, cho con đi làm thêm là mang lại cơ hội trải nghiệm cho trẻ về quan niệm với tiền bạc và rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Để tăng hiệu quả của việc này, cha mẹ hãy gợi ý cho con hiểu thêm về những công việc xung quanh được trả lương dựa trên các yếu tố nào. Chẳng hạn, khi trẻ làm thêm ở tiệm bán thức ăn nhanh, hãy khuyến khích con quan sát và phân tích xem vì sao việc của con chỉ được trả 12.000/giờ, trong khi vị trí thu ngân được cao hơn, vị trí quản lý cửa hàng lại cao hơn nữa.
Bố mẹ có thể gợi ý rằng chị thu ngân có đầu tư học chuyên ngành kế toán, anh quản lý thì có bằng đại học quản trị kinh doanh, có kỹ năng mềm tốt và biết ngoại ngữ. Từ đó giúp trẻ dần hình dung mức độ đầu tư vào việc học tập, sử dụng nguồn lực thời gian và công sức để tìm công việc phù hợp và xứng đáng có vị trí tốt hơn, lương cao hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, không nên trả tiền công cho con khi làm việc nhà bởi đó là trách nhiệm với gia đình chứ không phải là công việc được trả tiền mới làm. Nếu là công việc, khi bạn cảm thấy không phù hợp bạn có thể nghỉ, tìm việc khác, nhưng trách nhiệm chăm sóc bản thân và gia đình thì phải được dạy ý thức cùng làm và san sẻ với nhau.
Theo chị, đối với các gia đình khá giả, phụ huynh không nên dùng vật chất hay tài sản làm phần thưởng. Hãy trò chuyện để con hiểu cha mẹ an nhàn về tài chính là nhờ quá trình học tập, lao động nghiêm túc. Khéo léo dẫn dắt để trẻ cũng lên được kế hoạch quản lý tài chính của bản thân và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo của con. Ngoài ra, hãy giúp con tin vào chính mình để xây dựng tương lai như cha mẹ, chứ không phải tin vào tài sản của gia đình để ỷ lại.
Vương Linh