Thậm chí, mình còn bị lên án rằng "học theo Tây, vẽ vời, trẻ con thì biết gì mà dạy". Rất may mình được sự ủng hộ nhiệt tình từ ba của bé. Ông xã mình từng có nhiều năm học ở nước ngoài và rất tâm đắc với cách dạy về tài chính cho trẻ em bên đó. Mình cũng đọc nhiều sách, tham khảo nhiều ý kiến của những phụ huynh tiến bộ và thấy cần phải dạy con những kiến thức cơ bản về tài chính sớm khi bé khoảng 3 tuổi.
Xung quanh mình không ít những câu chuyện về những bạn nhỏ học đến cấp 2 không biết cách quản lý chi tiêu, bị bố mẹ cấm tuyệt đối tiếp xúc với tiền vì quan niệm "tiền làm con hư", "tiền làm con sa ngã", theo mình đó là quan điểm sai lầm. Trẻ chỉ vung phí và không biết cách tiêu tiền khi không hiểu được giá trị của đồng tiền. Thà rằng mình: "Vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để hươu đâm nhầm bụi rậm" là những gì mình suy nghĩ.
Thật ra bài học về quản lý tài chính với con rất đơn giản. Trẻ em luôn thích tìm tòi, khám phá thế giới người lớn nhất là trong việc mua bán. Hầu hết trò chơi đồ hàng của các con ngoài bố mẹ cho ăn, đi ngủ thì là đi mua sắm. Mình nhớ ngày bé mình có cả một thế giới "tiền" bằng lá cây, giấy cắt nhỏ ghi số. Số tiền tưởng tượng thôi mà sao mình thích thú đến thế, vẽ ra bao nhiêu viễn cảnh mình sẽ mua cái này, mua cái kia. Chính vì thế mình biết rằng các bé rất hào hứng với những bài học dưới dạng trò chơi của mẹ.
Mình dạy bé bài học về tiền đơn giản như thế thôi đấy, nhận mặt tiền, phân biệt giá trị lớn nhỏ của tiền, đóng vai mua bán để con hình dung ra quá trình trao đổi hàng hóa diễn ra như thế nào. Khi đi siêu thị, mình thường cho con số tiền nhỏ ví dụ 10.000, 20.000 đồng, con có thể lựa chọn món đồ con thích nhưng chỉ được trong phạm vi đó. Thay vì lăn lộn, níu tay bố mẹ đòi như nhiều em bé khác thì con cẩn thận quan sát và cân nhắc với số tiền mình có. Vì thế, khi đi siêu thị con luôn hài lòng với lựa chọn của mình, ba mẹ không phải giải quyết những tình huống con đòi hỏi khó xử. Tất nhiên nhiều lần con cũng nuối tiếc khi không đủ tiền mua món đồ con thích giá trị cao hơn. Khi đó, mẹ nói với con rằng: "Mình sẽ tiết kiệm tiền để có được mục tiêu cao hơn".
4 tuổi, con bắt đầu được bố mẹ giao việc nhà và làm có trả công. Ban đầu, những công việc rất đơn giản như gấp quần áo, dọn phòng của con với số tiền nhỏ 10.000 đồng mỗi lần thôi. Kiếm được tiền, con có một chiếc hộp xinh xinh để dành, khi được số tiền kha khá con đề nghị đem ra mua những món đồ mà con yêu thích.
Giờ thì con đã 10 tuổi, con quản lý tiền rất tốt, số tiền bố mẹ cho con tiêu vặt, ăn sáng mỗi ngày con chi đúng mục đích. Con kể với mẹ có bạn cùng lớp rủ con mang tiền tiết kiệm đến mua quà ở cantin nhưng con từ chối. Con nói đó là tiền tớ làm rất nhiều việc với kiếm được và để dành mua quà sinh nhật tặng ba sắp tới nên tớ không đem tiêu được.
Mùa dịch ở nhà, con làm khẩu trang tặng mọi người. Nguyên liệu để làm khẩu trang con dùng tiền tiết kiệm để mua đấy. Con nói sẽ làm tặng ba mẹ, ông bà trước sau đó sẽ làm tặng các cô chú trong nhà. Nhìn những chiếc khẩu trang xinh xắn tư tay con làm từ số tiền tiết kiệm được mẹ biết mẹ đã dạy con đúng cách.
Nhà mình cũng trích một phần tiền tiết kiệm của hai anh em, ba mẹ góp thêm để ủng hộ chính phủ chống dịch, mong mau chóng có Vacxin để các con được đến trường.
Bạn Uyên đặt ra mục tiêu từ giờ đến cuối năm sẽ đủ tiền để mua chiếc xe đạp mới. Ba mẹ hoàn toàn ủng hộ và hứa sẽ "kiếm việc" cho bạn nhiều hơn, bạn lo nhất là không có việc làm đủ tích lũy tiền thôi đấy! Nhìn con lớn lên có những kiến thức nhất định về quản lý tài chính mình thấy vợ chồng mình đã đi đúng hướng trong cách dạy con.
Chúc bé Uyên sẽ thành công hơn, đạt được mục tiêu mà mình đề ra nhé! Ba mẹ luôn đồng hành cùng bạn!
Nguyễn Hương Giang
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây