Nhìn con la hét vì lên cơn loạn thần, chị rụng rời cả chân tay. Mải mê làm ăn, chị Ngân không có nhiều thời gian bên con. Hơn 3-4 tháng nay, tính tình của Thành thay đổi, thường xuyên cáu gắt, cãi nhau với bố mẹ, ăn uống thất thường, đôi khi lảm nhảm một mình, chị Ngân tưởng cậu quý tử buồn phiền vì thi rớt đại học và chia tay bạn gái nên mới thế. Trao đổi với bác sĩ, Thành cho biết mình chơi thuốc lắc, sau đó chuyển sang "đập đá" đã 4 tháng.
Gần đây, mỗi tháng Tuấn, con trai của chị Huệ ngụ Phú Nhuận, TP HCM, vắng nhà 4-5 lần, mỗi lần 2-3 ngày. Hỏi thì Tuấn bảo đi công tác hoặc qua nhà bạn chơi. Đến lúc bạn gái của con đến nhà khóc lóc rằng Tuấn đang chơi "đập đá" và đã mượn rất nhiều tiền của bạn bè, bà mẹ mới bàng hoàng tìm đến bác sĩ tâm thần nhờ tư vấn hướng xử lý. Tuấn cũng thú nhận, dạo gần đây công việc gặp nhiều khó khăn, phải "chơi đá" thì mới giúp Tuấn quên hết thực tại sầu muộn.
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần TP HCM, 6 tháng đầu năm 2013, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu, khám bệnh cho hơn 662 lượt bệnh nhân, với 68 ca nhập viện điều trị do sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó phần lớn là "ma túy đá"... Loại ma túy tổng hợp này được bán trên thị trường với dạng tinh thể đá nên thường được gọi là "hàng đá".
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Trụ, nguyên Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết việc sử dụng các loại ma túy tổng hợp, trong đó có “hàng đá” rất dễ gây chứng loạn thần như hoang tưởng, hay nghi ngờ, lo lắng, nói một mình, sợ có người đuổi đánh, giết mình... Người chơi có biểu hiện gia tăng hành vi, dẫn đến nhức đầu, mắt đỏ, không kiểm soát được hành động, lời nói, sinh ra những ảo giác, ảo thanh, ảo thị... Hầu hết trường hợp đưa đến cấp cứu là được bạn bè trong "nhóm chơi đá" đưa đến chứ rất hiếm trường hợp do bố mẹ phát hiện và đưa tới.
Hàng đá gây tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, nếu dùng nhiều, ảo giác sẽ luôn thường trực khiến cơ thể hưng phấn, năng lượng tràn trề và sẽ giải phóng năng lượng bằng những hành động kích động, quậy phá, tấn công người xung quanh. Nhiều người khi "phê đá" thường nghĩ rằng người khác đang theo dõi, muốn tấn công mình nên xông vào đánh. Một số ít lại tưởng rằng mình có thể bay được nên ngang nhiên nhảy từ lầu xuống đất, ra đường có cảm giác xe cộ chạy rất chậm nên cứ phải rồ ga phóng cho nhanh, tự cấu xé mình... gây nguy hiểm tính mạng. Nhiều trường hợp do đòi hỏi tình dục tăng cao nên tìm cách "xả đá" với việc sinh hoạt tình dục tập thể, dẫn đến nhiều bệnh lây truyền.
Theo bác sĩ Trụ, nhiều bệnh nhân trẻ đến khám nghĩ rằng các loại ma túy tổng hợp không gây nghiện và an toàn sau khi chúng được thải khỏi cơ thể. Đây thật sự là một sai lầm. Thực tế, người sử dụng ma túy tổng hợp (trong đó có "hàng đá") có xu hướng mắc bệnh tâm thần phân liệt cao gấp 9 lần so với người không sử dụng và cao gấp 1,5 đến 3 lần so với bệnh nhân nghiện nặng cocaine hoặc các chất dạng thuốc phiện. Nhiều người dùng ma túy đá với mục đích ban đầu chỉ để được “hưởng lạc”, tăng hưng phấn trong quan hệ tình dục nhưng nếu sử dụng lâu có thể gây liệt dương và nhiều hệ lụy sức khỏe. Dùng ma túy đá còn có nguy cơ đột quỵ, tăng huyết áp, rối loạn tim, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, sử dụng quá liều có thể dẫn đến tử vong.
Theo các bác sĩ, hiện ma túy đá chưa có phác đồ điều trị nên việc cai nghiện gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tái nghiện cao. Nếu phát hiện sớm thì việc cai nghiện sẽ có cơ hội thành công cao. Đợi đến lúc rối loạn hành vi và hoang tưởng ảo giác thì sẽ khả năng điều trị nghiện thành công thấp.
Bác sĩ Trụ lưu ý các bậc phụ huynh cần quan sát những bất thường, dấu hiệu đảo lộn trong sinh hoạt của con em. Tùy công việc làm ăn và sinh hoạt của con mà xem thử có thay đổi bất thường gì không. Một đặc điểm của ma túy tổng hợp là phải có chỗ chơi chứ không mang về nhà xài một mình giống như heroin. Do chơi phải có nhóm, có "băng đảng" nên thường đảo lộn giờ giấc. Ngoài ra, những người chơi hàng đá thường túng tiền nên phụ huynh cần để ý đến quan hệ bạn bè, tiền bạc của con. Bên cạnh đó, cần quan sát những biểu hiện về ảo thị, ảo giác như mắt đỏ, hay nói một mình, tính tình thay đổi, dễ cáu giận, sợ bị đuổi đánh, sợ có người theo dõi… để kịp thời giám sát và đưa con đi khám.
Lê Phương