From: soul desert
To: vne-tamsu
Subject: gop y
Xin chào bạn Trung,
Tên tôi không quan trọng gì, vậy cho phép tôi không phải tự giới thiệu. Tôi chỉ cung cấp thông tin tôi đã là người cao tuổi, nhiều hơn bạn rất nhiều. Nói vậy không có nghĩa là tôi sẽ lên giọng chỉ giáo gì cho bạn, mà là sẽ chỉ tâm sự như một người có biết chút ít về vài vấn đề của cuộc sống. Tôi cũng có con trai ở tuổi thi đại học. Tôi tốt nghiệp đại học đã lâu, cũng biết chút ít về môi trường bạn bè và sinh viên. Với những thông tin ấy ta nói chuyện sẽ dễ hơn.
Trước hết tôi nói luôn là tôi chỉ có thể tâm sự với bạn chứ không giúp gì bạn được đâu. Vậy nếu không muốn tâm sự, bạn có thể không đọc những phần tiếp theo. Bạn đừng lo là tôi đã cao tuổi nên không hiểu biết gì về cuộc sống của thanh niên và sinh viên bây giờ (tôi có rất nhiều cháu họ đã tốt nghiệp đại học hoặc đang học đại học). Bạn đừng vội cho rằng tôi là thế hệ cổ rồi, lúc nào cũng kể chuyện ngày xưa nghèo khó. Tôi hiểu thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên sinh viên, vì tôi rất quý thế hệ trẻ.
Thanh niên hay cho rằng thời đại đã thay đổi, không cần quan tâm đến những chuyện xưa. Như thế chỉ đúng một phần. Có những vấn đề trong cuộc sống không bao giờ thay đổi. Mọi sự trưởng thành hay vấp váp lại luôn do những vấn đề muôn thuở ấy quyết định. Chuyện khó khăn bạn gặp phải bây giờ không phải là chuyện đã diễn ra từ hàng ngàn năm nay sao? Và nó sẽ còn tiếp tục sau này, tùy người ta đủ trí tuệ và bản lĩnh để lựa chọn hay không.
Mặt khác, cần tin rằng, mọi tình huống đều có lời giải cả. Nếu có chí và quyết tâm mọi chuyện sẽ qua thôi. Tất nhiên là nó sẽ không tự qua đâu, bạn sẽ còn phải chịu đắng cay khổ sở, song nếu bạn có bản lĩnh, nghiêm chỉnh, thực thà (với chính mình) bạn sẽ vượt qua được. Cần phải kiên tâm, chớ có làm chuyện rồ dại. Trong cuộc sống tôi chưa thấy ai mất tương lai hoặc hết đời vì gian khó cả. Cuộc đời chỉ chấm dứt với những người vi phạm đạo lý hoặc pháp luật mà thôi. Chú ý là tôi nói câu này khi đã đọc kỹ và hiểu hết tình cảnh bế tắc và cấp bách của bạn bây giờ.
Trong những cháu họ của tôi, cũng có người tốt nghiệp đại học sau đó sa đà vào cờ bạc (cá cược bóng đá), số tiền nó nợ lớn hơn số nợ của bạn rất nhiều. Bố của nó cũng đã vài lần trả nợ thay cho nó, nhưng nó vẫn không cai nổi chuyện cờ bạc. Nhà kinh tế tuy khá, nhưng không ai có thể đủ tiền cho cờ bạc được. Ăn thì dù sao cũng có hạn, tiêu phá nói cho cùng cũng có số lượng kể ra được, riêng cờ bạc thì vô cùng. Anh tôi (bố của cháu) rất thương con, nhưng cũng phải chịu. Anh ấy nói rằng, nếu nó hiểu ra, bỏ cờ bạc thì tốn bao nhiêu tiền cũng sẽ cho để trả nợ cho nó. Vậy mà cũng không xong.
Tôi kể chuyện này để bạn hiểu rằng, thói quen ấy (cờ bạc) cũng sẽ đeo đẳng bạn. Và đây mới là hiểm họa thực sự đe dọa tương lai của bạn, chứ không phải là khó khăn và số nợ hiện nay. Tất nhiên, nhà bạn kinh tế có hạn nên càng khó khăn hơn. Bạn nên biết rằng cờ bạc là tệ nạn của xã hội VN hiện nay, và tệ nhất là nó phổ biến trong giới trẻ.
Cũng qua chuyện trên tôi cũng muốn nói với bạn rằng, bạn hãy tin vào bố mẹ của mình. Bố mẹ bao giờ cũng thương con và rất rộng lượng. Quan trọng là bạn có thực lòng hay không. Nếu mẹ bạn đã già, kinh tế có hạn, không có tiền để cho bạn trả nợ bây giờ thì cũng rất rộng lượng tha lỗi cho bạn về mặt tình cảm, quan hệ và tinh thần. Bạn đang bí tiền (khẩn cấp) bạn không nhận ra điều này đâu. Nhưng bạn hãy tin tôi trong việc này, là hãy bắt đầu từ việc nói chuyện tâm sự với bố mẹ. Làm gì tiếp để giải quyết thì tính sau.
Qua thư của bạn, tôi thấy bạn là người rất yêu bố mẹ và có hiếu, thế là rất may cho bạn đấy. Lúc này bạn có thể tin ai được, ý nói chỗ dựa tinh thần? Dựa vào tôi chăng? Không thể được. Còn chuyện dựa vào bạn bè thì chính trong thư bạn cũng biết rồi đấy. Đọc đoạn này bạn đừng hiểu là tôi không tin bạn bè. Tôi có rất nhiều bạn, tất cả các bạn của tôi đều rất tốt. Có lẽ tôi có nhiều bạn tốt là do ngoài việc cư xử đúng với nhau còn yếu tố là tôi không bao giờ đòi hỏi bạn tôi nhiều quá, hoặc đặt họ vào tình trạng khó xử.
Còn với bố mẹ thì khác, bố mẹ bao giờ cũng yêu thương bạn, kể cả sau này bạn thành ông già như tôi bây giờ. Vậy tại sao bạn lại không bắt đầu từ việc nói chuyện với bố mẹ mình? Cứ làm việc ấy đi đã, đừng nghĩ đến tiền nợ vội. Hãy bắt đầu từ một việc cụ thể trong mớ bòng bong của tình huống. Việc cụ thể ấy là nói chuyện với gia đình. Vẫn chưa có tiền để trả nợ, nhưng như thế còn hơn là vừa nợ vừa gây sự đổ vỡ khác. Bạn bắt đầu từ việc tốt, việc đúng thì những lời giải hay mới có thể đến được.
Trong thư bạn có nói về nỗi lo trong trường hợp kể thật với gia đình. Nỗi lo ấy là đúng. Không thể có cái gì hay từ một tình huống xấu cả. Nhưng tôi nói với bạn rằng cái xấu, cái tệ nhất chờ bạn ở phía trước cơ. Tức là phương án mà bạn nêu ra là hướng kiếm tiền bất chính hoặc phi pháp (cũng không đơn giản kiếm dễ như bạn tưởng đâu). Bạn sợ mất uy tín, danh dự với gia đình, sợ làm buồn bố mẹ. Biết thế là tốt. Nhưng là đàn ông thì phải dũng cảm đón nhận những cái mà mình làm hỏng, không có gì đáng xấu hổ cả. Bạn có thể bị thẻ vàng, nhưng nếu sau bạn lại ghi bàn thắng thì mọi chuyện sẽ ổn.
Còn về tâm lý của bố mẹ, có lẽ bạn chưa thực sự hiểu hết. Bố mẹ nào chả buồn khi con phạm lỗi, nhưng họ luôn rộng lượng. Điều lo nhất của cha mẹ là con mình có nên người hay không. Không biết tiền bạc và thành đạt của con cái ở mức nào thì được gọi là nên người, nhưng chắc chắn khi mất tư cách, vi phạm đạo lý và pháp luật là không nên người. Mà điều ấy thì phương án 3 của bạn đang hướng đến đấy.
Tôi cũng xin phép bàn chút ít về hướng làm ăn chân chính của bạn. Hướng rất tốt nhưng bạn lại chỉ nghĩ thoáng qua. Cách nhìn nhận của bạn về đồng lương, thu nhập thật ấu trĩ, và càng ngạc nhiên là bạn là người có trình độ đại học mà lại nghĩ thế. Bạn đừng giận khi tôi nói vậy, tôi sẽ giải thích ngay bây giờ:
Phần lớn những thanh niên bây giờ mắc một bệnh rất trầm trọng là quá nôn nóng trong mơ ước kiếm tiền, làm giàu. Sức ép của thời đại mới mà. Kiếm tiền là tốt, rất tốt, vậy hãy chuẩn bị cho mình sao cho để có thể kiếm tiền được nhiều. Đó chính là việc học đấy. Trong khi đó, phần lớn những chàng ước mơ ấy lại không chịu học để có nghề nghiệp giỏi (trong số đó có bạn). Nếu bạn là người chủ doanh nghiệp, bạn phải trả lương, liệu bạn có nhận một người kém vào làm không? Hơn nữa, chưa làm thợ thì làm sao mà làm thầy được. Nói tóm lại là cần phải học, cần làm cái việc mà các bạn không thích ấy.
Còn vấn đề tiền (trong khi đang học), các bạn thấy sức ép cần có nhiều. Nói thực, tôi thấy nó rất vớ vẩn và rởm. Có tiền để tiêu xài (không bắt buộc lắm), để hơn bạn bè, để sáng giá với các bạn gái. Nhu cầu cũng không có gì đáng chê lắm, nhưng thực sự không phải là mức cần thiết với thực lực của mình. Sau này có gia đình, bạn sẽ hiểu tôi nói gì. Trong cuộc sống của tôi đến nay, có vài lần tôi định làm liều, đó là khi nhà tôi hết gạo và con tôi ốm phải đi bệnh viện. Tôi cho rằng ta chỉ đáng làm liều cho những nhu cầu như vậy. Tuy nhiên vài lần đó bạn bè cho vay tiền, sau tôi làm trả nợ được. Và đó cũng là những lần duy nhất tôi phiền vay bạn bè. Nếu tôi vào cương vị của bạn, chưa có gia đình, tôi sẽ chỉ vay khi mẹ bị ốm cần tiền (khi ấy những bạn tốt thật sự luôn giúp đỡ).
Còn tôi cười nhận thức của bạn (của người học đại học) về kiếm tiền và lương. Thứ nhất, vì bạn đã học toán cao cấp mà nghĩ lại rất tuyến tính. Thứ hai là bạn trẻ luôn cho rằng người già chậm hiểu xã hội hiện tại, vậy mà bạn lại tỏ ra không hiểu bằng tôi. Tôi sẽ giải thích qua câu chuyện này. Con trai tôi một hôm có hỏi tôi rằng “Bố ơi, giá nhà cao thế, tiền cần đến mấy trăm triệu để mua một căn hộ thì chúng con bao giờ mới mua được nhà riêng? Nếu học xong đi làm lương vài triệu như vậy, trừ tiền tiêu dùng, để được bao nhiều thì cũng phải mấy chục năm sau mới mua được nhà".
Nói tóm lại, con tôi lo lắng và suy nghĩ đúng kiểu như bạn lập luận. Tôi còn đùa vui với nó: "Sau mấy chục năm cũng có thể không mua được, nếu không học và có việc làm". Tôi giải thích là "nếu tính như con thì nhà mình đã chết đói từ lâu rồi, chưa nói đến chuyện mua nhà, và trong xã hội cũng sẽ vô số người không đủ sống như vậy, nếu tính từ tiền lương chính ra". Cần phải biết rõ khái hai niệm lương và thu nhập là khác nhau (bạn học kinh tế, bạn phải biết). Thu nhập có nhiều nguồn, kể cả thưởng, làm thêm, ký những hợp đồng dịch vụ riêng khác.
Trong cuộc sống, công việc không thể tính theo tuyến tính được, tức là mỗi tháng làm được từng này, để dành từng này, suy ra cần bao nhiêu năm để có số tiền ấy. Cách nghĩ tuyến tính không thể giải thích được tại sao lại có những nước nghèo lại nổi lên, nhưng những con rồng, con hổ kinh tế. Cũng không giải thích được tại sao lương ở VN thấp thế, nhưng rất nhiều người giàu, mua sắm mọi thứ mà tính theo lương thì cả trăm năm sau họ cũng chưa có được (chắc bạn sẽ kể là do làm ăn phi pháp, tham nhũng. Số này cũng có, nhưng rất nhiều người là làm việc chân chính. Tôi sẽ giải thích kỹ sau). Thôi, bạn học kinh tế nên bạn biết cả, chỉ có điều nên áp dụng kiến thức ấy vào cách nhìn nhận hàng ngày cho mình thì tốt.
Điều quan trọng nhất để có thể xảy ra bước nhảy phi tuyến là cần có kiến thức, nghề nghiệp, việc làm. Nếu không, bạn đừng nên hy vọng làm gì. Có nghề và việc làm, bạn vẫn sẽ phải lao động và kiên trì nhận lương mức thấp trong thời gian dài, nhưng sẽ có những công việc, cơ hội nghiệp vụ đến và bạn có thể có thu nhập tăng đột biến. Tôi dám khẳng định rằng nếu bạn kiên tâm vượt khó, học xong đại học và xin được việc làm thì sau khoảng 5 năm từ lúc đi làm, bạn sẽ thấy điều tôi nói là đúng. Có thể lúc ấy bạn sẽ thấy con số 35 triệu, tuy là lớn, nhưng không đến mức làm người ta mất tương lai.
Tôi muốn quay lại một chút về điều nói ở trên, tức là có thể bạn cho rằng nhiều người giàu là do làm ăn bất chính. Chính suy nghĩ ấy sẽ khiến bạn khó giàu được. Tôi sẽ kể thứ tự cho bạn:
- Số người giàu nhờ cờ bạc chắc chắn không có. Các cụ đã nói rồi, loại tiền này là như “để ngoài ngõ". Nếu ai có được trong một hôm thì ngày hôm sau nó cũng đội nón ra đi mà thôi.
- Số người làm giàu bằng tiền trộm cắp, làm ăn bất nhân nếu có cũng không đáng kể, và cũng chóng suy lắm.
- Số người làm giàu bằng tham ô, tham nhũng. Số này không ít. Nhưng tỷ lệ chỗ chức vụ để có thể tham nhũng không thể nhiều được.
- Số người làm giàu trong phạm vi vi phạm quy chế, số này có lẽ là khá nhiều.
- Số người làm ăn chân chính, kinh doanh hoặc trong dịch vụ trí tuệ rất đông.
Theo tôi có một số kiểu như vậy. Ba nhóm đầu tôi khuyên bạn không nên theo. Còn hai nhóm sau, rất phổ biến. Nhóm thứ 5 là hay nhất. Nhưng bạn hãy chú ý đến nhóm 4. Tôi chỉ dùng từ là vi phạm quy chế, chứ không hoàn toàn là phạm pháp. Bạn học kinh tế, nếu biết thêm luật nữa thì hiểu thế có nghĩa là gì. Luật pháp nhà nước ra thường có khoảng rộng chứ không cứng nhắc, một số người thạo sẽ lách để chọn những điều khoản có lợi cho mình mà không bị là phạm pháp.
Thôi, thư này viết quá dài rồi, tôi không giải thích kỹ nữa. Tôi chỉ lưu ý bạn một điều là kể cả nhóm 4 (tất nhiên là cả nhóm 5) người ta đều phải là những người học giỏi, thạo nghề và phấn đấu lâu dài. Nói vui hơi quá thì những người tham nhũng họ cũng đã phải trải qua một giai đoạn dài để đạt được cương vị để mà có thể tham nhũng. Nói tóm lại là tôi khuyên bạn nên chịu khó học tấp để sau vào 2 nhóm cuối.
Để kết thúc cái thư dài này với người không quen biết, tôi nhắc lại và bình luận về một câu trong thư tâm sự của bạn. Đó là câu: "Một viên đạn xuất phát chỉ sai một ly thôi, nhưng khi nó bay đến một vì sao nào đó thì nó đã chệch đi hàng vạn dặm, càng đi xa nó càng mất phương hướng”. Bạn rất nhầm ngay cả khi nhận thức và viết văn.
Thứ nhất là viên đạn thì không thể bay được đến vì sao nào cả (sai về vật lý). Thứ hai là viên đạn thì chỉ nhận lực đẩy có một lần (vật lý), nên không thể ví với con người trong cuộc sống được. Thứ ba là, chính ví sai lầm như thế, vô hình trung bạn đã tự coi mình là thua cuộc (lực đẩy một lần, không có khả năng điều chỉnh).
Và tôi tâm sự là con người, cụ thể là bạn, không phải là một viên đạn chỉ nhận năng lượng một lần để bay đi, và chỉ bay theo quỹ đạo đã định. Bạn nên ví bạn, cũng như mọi người khác như những con tầu vũ trụ, liên tục có thể có lực đẩy tiếp theo, và quan trọng là luôn có thể điều chỉnh được đường bay, quỹ đạo của mình. Nếu bạn là phi công vũ trụ, bạn phải tự biết, quyết định điều chỉnh thế nào để đúng đích chứ không sai hàng vặn dặm. Thường trong những lúc gặp sự cố của cuộc hành trình, phi công vũ trụ cần sự chỉ dẫn và giúp đỡ của trung tâm ở trái đất. Bạn có biết trung tâm ấy là ai không? Theo tôi, đó là bố mẹ và gia đình bạn.
Chúc bạn cuộc hành trình thành công.