Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc bằng lương cơ sở, hiện là 1,8 triệu đồng. Nếu người hưởng thấp hơn mức này sẽ được ngân sách hoặc Quỹ Bảo hiểm xã hội bù đắp. Dự thảo luật sửa đổi bỏ chính sách này vì từ ngày 1/7 không còn áp dụng mức lương cơ sở.
Chính phủ lý giải quy định mức lương hưu thấp nhất chỉ áp dụng với lao động đóng BHXH bắt buộc 20 năm, trong khi dự luật giảm đóng còn 15 năm và quy định mức tính đóng BHXH thấp nhất cho một số nhóm bằng một nửa lương tối thiểu vùng cao nhất (dự kiến 4,96 triệu đồng từ ngày 1/7). Nếu giữ lương hưu thấp nhất thì không phù hợp với hướng sửa đổi.
Theo dự luật sửa đổi, thấp nhất trong hệ thống an sinh là tầng trợ cấp hưu trí xã hội, mức đề xuất 500.000 đồng một người một tháng.
GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân, tính toán mức 500.000 đồng mỗi tháng hay 6 triệu đồng mỗi năm chỉ bằng khoảng 6% GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2023. Mức này không thể phù hợp với giá cả sinh hoạt hiện nay nên trong thời gian tới ngay cả khi điều chỉnh người hưởng lương cũng khó đủ sống.
Theo ông Long, bỏ lương hưu tối thiểu chính là bỏ qua sàn an sinh xã hội đang hướng tới, tức đảm bảo cho người sau tuổi lao động một mức hưởng tối thiểu, tránh tình trạng nhiều người cao tuổi có lương hưu hay trợ giúp xã hội nhưng lại rơi vào nhóm nghèo. Muốn có mức hưởng tối thiểu phù hợp thì ngay từ giờ phải xác định mức đóng tối thiểu tương ứng.
Dẫn Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH, ông Long nói ngoài mục tiêu mở rộng độ bao phủ còn phải đảm bảo thu nhập dựa trên các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nói cách khác, lao động có quyền tiếp cận BHXH và thụ hưởng an sinh ít nhất ở mức tối thiểu để đảm bảo chất lượng cuộc sống lúc về già. Định hướng cải cách để có dân số cao tuổi hưởng lương hưu chứ không phải hưởng trợ giúp xã hội.
Trong thực tế, nhiều người vì nguyên nhân nào đó chỉ có thể đóng mức thấp nên hưởng thấp, thậm chí không đủ sống do những biến động về giá cả. Tuổi thọ người Việt tăng nhưng nhiều bệnh tật, một phần vẫn phụ thuộc vào chăm sóc của con cái, gia đình, cộng đồng.
"Giữ mức lương hưu tối thiểu đồng nghĩa hệ thống BHXH và Chính phủ cam kết một sàn an sinh xã hội, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người cao tuổi", chuyên gia nói, thêm rằng những người có mức hưởng hưu cao hơn mức sàn thì không phải điều chỉnh, người hưởng dưới sàn thì hệ thống chia sẻ một phần để nâng mức hưởng lên bằng sàn.
Mức lương hưu tối thiểu không nên quy định bằng con số cụ thể, theo ông Long, mà nên tính theo tỷ lệ mức thu nhập nào đó. Bởi nếu chốt số tiền tuyệt đối sẽ cứng nhắc, không tạo ra cơ chế tự điều chỉnh khi có những thay đổi về giá cả, chuẩn thu nhập. Khi các biến số vĩ mô này tăng thì số tiền cụ thể kia sẽ làm giảm sức mua của người thụ hưởng.
Trước lo ngại nếu giữ sàn lương hưu tối thiểu khiến lao động chọn đóng thấp và có tư tưởng "thiếu đâu nhà nước bù", ông Long cho rằng không ai muốn mình là người nghèo, sống phụ thuộc khi về già. Ai cũng cố gắng đóng ở mức cao hơn để có thể có lương hưu cao hơn. Với quy định hiện hành, nhiều lao động từng chọn rút BHXH một lần giờ muốn khôi phục lịch sử đóng, tiếp tục tham gia hệ thống nhưng không được. Việc thiết kế chính sách cần xác lập mức đóng phù hợp trong từng giai đoạn để sau này mức lương hưu không thấp hơn mức sàn.
Dự báo 29 triệu người già trên 60 tuổi vào năm 2049 - tức chỉ còn 25 năm nữa – thì việc nhanh chóng bao phủ an sinh cả chiều rộng (số lượng, tỷ lệ tham gia) lẫn chiều sâu (mức hưởng, đảm bảo mức sống tối thiểu) là cấp thiết với Việt Nam. GS Long dẫn câu chuyện Hàn Quốc, nước giàu nhưng có tới 48% người già nghèo - tỷ lệ cao nhất trong nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) do tỷ lệ bao phủ lẫn mức hưởng thấp. Đây là "tiếng chuông cảnh báo" cho nhiều quốc gia thu nhập chưa cao nhưng già hóa dân số nhanh, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam sẽ chuyển sang trạng thái dân số già khi người trên 65 tuổi chiếm 14% vào năm 2036. Nếu không thay đổi căn cơ chính sách BHXH thì rất khó xoay chuyển tình thế. Hàng chục triệu người cao tuổi sẽ không hưởng bất kỳ an sinh xã hội nào", ông Long nói.
Chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân phân tích tiền đóng BHXH hiện đạt bình quân 5,7 triệu đồng mỗi tháng, lương hưu vì thế sẽ khó mà cao. Giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thì lương hưu càng thấp.
Ông Huân đồng tình giữ lại lương hưu tối thiểu bởi những lần sửa đổi trước kia đã tính toán đây là sàn an sinh cơ bản để đảm bảo cho người già không bị "nghèo hóa". Không còn lương cơ sở từ 1/7, Ban soạn thảo có thể áp dụng mức tham chiếu, xây dựng cách tính cụ thể, rõ ràng để làm căn cứ. Về lâu dài chỉ còn cách nâng mức thực đóng BHXH để nâng mặt bằng lương hưu lên.
Trên nghị trường Quốc hội cuối tháng 5, nhiều đại biểu lo ngại nếu bỏ lương hưu tối thiểu có thể "kéo lùi an sinh", bởi mức thấp nhất dự kiến 500.000 đồng chỉ đạt 25-33% chuẩn nghèo thành thị và nông thôn hiện nay.
Bà Ma Thị Thúy ví an sinh có thể "tụt dốc không phanh" còn đại biểu Vương Thị Hương cảnh báo có thể dẫn tới xu hướng nghèo hóa một bộ phận người dân trong tương lai. Bà Trần Kim Yến nói hiện nay một bộ phận người cao tuổi hưởng hưu trí thấp hơn mức tối thiểu. Vì vậy, cần xem xét lại quy định này để người sau tuổi lao động được hưởng an sinh tốt hơn.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến hình thành ba tầng trong hệ thống an sinh. Tầng một là BHXH cơ bản dành cho lao động từ khi đi làm, gia nhập hệ thống an sinh đến trước khi đủ tuổi về hưu. Tầng này có các chế độ như ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp cùng khoản đóng góp để khi đủ điều kiện được hưởng lương hưu. Tầng tiếp theo là lao động đủ tuổi về hưu đến dưới 75 tuổi mà chưa đủ năm đóng như dự luật đề xuất. Tầng còn lại dành cho người già trên 75 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Độ bao phủ an sinh cho người già sau tuổi nghỉ hưu của cả nước chưa tới 40%, trong đó 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 630.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội; hơn 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Nghị quyết 28 của Trung ương đặt mục tiêu bao phủ 55% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.
Tổ chức Lao động quốc tế dự báo nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu do tốc độ già hóa nhanh hơn cả tốc độ phát triển kinh tế. Khảo sát người cao tuổi Việt Nam (VNAS) năm 2022 cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Hồng Chiêu