Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả của các doanh nghiệp cơ khí-tự động hoá thông qua các Chương trình Khoa học & Công nghệ quốc gia (KH&CN), đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực công nghệ trong cơ khí thời ở thời đại 4.0.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết Bộ đánh giá cao tác động của khoa học – công nghệ đối với cơ khí - tự động hoá, từ đó tạo ra những giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế và đời sống.
Các chương trình KH&CN quốc gia thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với những nhà sáng chế không chuyên, với mong muốn đưa các sản phẩm khoa học vào ứng dụng thực thế. Bên cạnh đó, thông qua chương trình, ông Đỗ Thành Long, giám đốc Văn phòng Chương trình Khoa học và công nghệ Quốc gia kỳ vọng đây là cầu nối giữa những nhà sáng chế "chân đất" (không chuyên) và các nhà khoa học, công ty công nghệ.
Trong hơn 6 năm triển khai, Các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đã bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong số đó, lĩnh vực cơ khí – tự động hoá chiếm 15 trong tổng số 58 công nghệ được ưu tiên phát triển. Tuỳ thuộc vào nội dung cụ thể của dự án, Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách theo các mức 30%, 50% và 100% kinh phí. Bên cạnh đó, Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia sẽ hỗ trợ hoạt động thương mại hoá sản phẩm và phát triển thị trường.
Theo đánh giá của Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia, nhóm cơ khí – tự động hoá đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. "Ở nhóm sản phẩm quốc gia, một số sản phẩm đã có tính ứng dụng vào thực tế, phục vụ nhiều công trình quan trọng và nâng cao giá trị kinh tế", Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia chia sẻ.
Một số sản phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực cơ khí – tự động hoá có tính ứng dụng cao như thiết bị nâng siêu trường, siêu trọng. Ở mảng sản phẩm này, Công ty cổ phần kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam (Vinalift) đã nghiên cứu, làm chủ quy trình thiết kế, chế tạo cầu trục, cổng trục ứng dụng tại cảng Ba Son mới. Bên cạnh việc cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm của Vinalift đã xuất khẩu sang một số quốc gia như Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và nhận được đánh giá cao.
Trong khi đó, nhóm công nghệ sản xuất linh hoạt cũng đã có những sản phẩm thương mại hoá điển hình như công nghệ sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế của Công ty TNHH máy và sản phẩm Thép Việt. Nhà thép tiền chế của công ty đã ứng dụng tại nhiều khu công nghiệp, nhờ đặc tính chắc khoẻ, thi công đơn giản hơn cách truyền thống. Sản phẩm có thể ứng dụng cho nhà ở gia đình, văn phòng, trường học hay nhà di động.
Cùng với những sản phẩm mang tính ứng dụng cao cho công nghiệp, công nghiệp nặng, nhóm cơ khí – tự động hoá cũng đạt một số thành tựu nhất định, ứng dụng cho lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ những nhà khoa học có chuyên môn cao tham gia vào lĩnh vực cải cách nông nghiệp, nhiều nhà sáng chế không chuyên cũng đóng góp tích cực. Điển hình như hệ thống sấy lúa vỉ ngang của nhà sáng chế Năm Nhã. Hệ thống này hiện được xử dụng rộng rãi tại đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang một số nước như Myanmar, Campuchia.
Theo PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, ứng dụng khoa học công nghệ khiến cho nhiều phần việc cơ khí trở nên đơn giản, có tính khả thi cao so với cách làm truyền thống. Nhờ đó, thời gian sản xuất được rút ngắn và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây cũng là mong muốn chung của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực, tuy nhiên thực tế của ngành cơ khí – tự động hoá còn nhiều vấn đề cần giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham dự hội thảo cũng bày tỏ những thực tại về sự chậm tiến của cơ khí – tự động hoá, cũng như các chính sách có liên quan.
Giáo sư Hoàng Văn Phong, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng khoa học công nghệ cho lĩnh vực cơ khí – tự động hoá đã có nhiều thành tịu. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều mặt vẫn dậm chân tại chỗ như cách đây 20-30 năm, đặc biệt ở lĩnh vực tự động hoá.
Đồng quan điểm trên, kỹ sư Nguyễn Thể Hà (70 tuổi), là người rất tâm huyết với công nghệ robot cũng mong muốn các sản phẩm cơ khí – tự động hoá cần đưa vào thực tế nhiều hơn nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Vị kỹ sư cao tuổi cho rằng nên phát triển các loại máy móc nông nghiệp thông minh để giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng năng suất, sản lượng và thúc đẩy nông thôn mới.
Theo Tiến sỹ Đỗ Hữu Hào, Chủ nhiệm Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, ngành cơ khí – tự động hoá cần được đánh giá đúng. "Cơ khí – tự động hoá đã có những thành tựu trong thời gian qua, nhưng tính tự động hoá rất ít. Các doanh nghiệp chưa thể tự động hoá hoàn toàn mà mới chỉ được một số quá trình. Những gì có thể tự động hoá toàn bộ đều là sản phẩm mua từ nước ngoài", ông Hào chia sẻ.
Sự không ổn định trong chính sách chung là yếu tố khiến ngành cơ khí – tự động hoá trồi sụt. Tiến sỹ Hào hy vọng sẽ sớm có giải pháp phục hồi và đẩy mạnh lĩnh vực trong thời đại công nghiệp 4.0.
Thông qua hội thảo, Bộ KH&CN sẽ có những nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, tái cơ cấu chương trình cơ khí-tự động hoá để có tính thực tiễn cao hơn nữa. Đại diện Bộ hy vọng có thể thúc đẩy sự phát triển của cơ khí – tự động hoá và mang lại giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp nói chung, phát triển cơ khí, tự động hóa nói riêng được coi là xương sống của nền kinh tế. Trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, chế tạo máy - tự động hóa là một trong bốn hướng công nghệ ưu tiên, bên cạnh công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ môi trường.
An Bình