Ngày 3/7, ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các đơn vị liên quan đang hoàn thiện nhanh thủ tục để triển khai Dự án về sản xuất vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Dự án này đã được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ký quyết định phê duyệt danh mục ngày 19/6 thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Bộ thúc đẩy triển khai nhanh để sớm có chế phẩm phục vụ chăn nuôi. Học viện Nông nghiệp Việt Nam được giao chủ trì các nhiệm vụ thuộc dự án này.
Liên quan đến hỗ trợ chống dịch, nhiều nhiệm vụ cấp bách cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong số này có nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo Kit chẩn đoán bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt, để Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện trong 18 tháng thực hiện từ tháng 6/2019.
Hội đồng khoa học cũng đề nghị giao trực tiếp cho Viện Thú y chủ trì, phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và đề xuất giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó bổ sung nội dung dịch tễ học điều tra và đánh giá đặc điểm bệnh lý của bệnh.
Một đề tài độc lập cấp Quốc gia "Nghiên cứu chế tạo chế phẩm có tác dụng ức chế (in-vivo) sự nhân lên của virus dịch tả lợn châu Phi" cũng được triển khai ngay nhằm tạo ra chế phẩm điều trị thực tế in-vivo trên lợn đạt tỷ lệ khỏi bệnh trên 60%.
Trước đó, ngày 2/7, báo cáo bước đầu về kết quả nghiên cứu tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, GS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện nông nghiệp Việt Nam cho biết các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu mạnh về vắcxin của Học viện đã phân lập sản xuất được tế bào PAM để sản xuất vắcxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Vắcxin an toàn với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên). GS Lan đề xuất thực hiện các nghiên cứu tiếp theo với mẫu lớn hơn, trên diện rộng.
Trong khi Học viện nông nghiệp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu, GS Lan đề xuất, nhóm nghiên cứu của Học viện sẽ chuẩn bị khoảng 300 - 500 liều vắcxin. "Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đánh giá chất lượng vắcxin theo quy trình rút gọn trong điều kiện chống dịch khẩn cấp. Nếu kết quả tốt có thể phối hợp chuyển giao cho doanh nghiệp sớm có vắcxin phục vụ thực tiễn", GS Lan nói.