Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Lạc Sơn, Tứ Xuyên, Phi Vũ từng là niềm hy vọng lớn của gia đình. Anh thi đỗ Đại học Tứ Xuyên ngành y tế công cộng và luôn đứng đầu lớp nên được tuyển thẳng vào chương trình thạc sĩ của Đại học Phục Đán - đại học danh tiếng ở Thượng Hải.
Tuy nhiên, chỉ sau một học kỳ, Phi Vũ quyết định nghỉ học vì mắc chứng trầm cảm, mất ngủ và đau dạ dày. "Áp lực quá lớn khiến tôi kiệt quệ", anh nói.

Phi Vũ từ bỏ giấc mơ tiến sĩ để đi bán hàng vỉa hè. Ảnh: SCMP
Trong một năm ở nhà hồi phục, Phi Vũ nộp đơn xin được học bổng ngành tiến sĩ y học dự phòng tại Mỹ. Tuy nhiên, do chính sách cắt giảm tài trợ thời Tổng thống Donald Trump, trường đại học đột ngột ngừng hỗ trợ tài chính, buộc anh phải từ bỏ ước mơ du học.
Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình khi cha là thợ mỏ và mẹ làm việc vặt ở siêu thị, Phi Vũ quyết định tự kiếm sống.
Ngày 10/3, Phi Vũ dựng một quầy bán khoai tây nghiền gần cổng Đại học Tứ Xuyên, nơi từng gắn bó suốt những năm tháng đại học. Quầy hàng của Phi Vũ nhanh chóng thu hút khách bởi nhiều người biết câu chuyện của anh qua mạng xã hội. Thu nhập mỗi ngày của anh được 700-1.000 tệ (2,38 triệu đến 3,5 triệu đồng).
"Tôi không hề cảm thấy xấu hổ. Tôi là người hướng ngoại và tự tin vào sản phẩm của mình", Phi Vũ nói. "Nếu khách hàng thấy ngon, họ chắc chắn sẽ quay lại".
Nhiều người ca ngợi anh dũng cảm, dám từ bỏ con đường thành công thông thường để chọn cuộc đời bình yên, vui vẻ. Có người khen ngợi Vũ không để hoàn cảnh gia đình hay việc không được tài trợ du học quyết định số phận. "Anh ấy đã chủ động bắt đầu bằng việc nhỏ, bán khoai tây nghiền, là điều đáng trân trọng", một người nói.
Bên cạnh đó, có người chỉ trích anh lãng phí tài năng và cơ hội giáo dục. Phi Vũ bình thản đáp: "Tôi không cho rằng đó là sự tiếc nuối. Đối với tôi, quá trình quan trọng hơn kết quả".

Phi Vũ chuẩn bị thực phẩm bán cho khách ở cổng trường. Ảnh: Cover News
Mỗi ngày, Phi Vũ dành bốn giờ chuẩn bị nguyên liệu trước khi mở bán từ 17h đến khoảng 20h. Anh thừa nhận công việc tay chân khá mệt nhưng tâm trạng nhẹ nhõm hơn nhiều so với thời còn trên giảng đường.
"Thật mệt, nhưng tôi không còn áp lực tâm lý. Khi rời xa nghiên cứu học thuật, tôi có cảm giác như bước vào một thế giới hoàn toàn mới", anh chia sẻ.
Đầu năm nay, một nghiên cứu công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) phân tích sự nghiệp của hơn 45.000 nhà khoa học, cho thấy hơn 40% nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đã rời bỏ học thuật. Nếu tính cả nhóm học sau đại học, tỷ lệ "tháo chạy" khỏi giới học thuật còn cao hơn.
Câu chuyện của Phi Vũ một lần nữa nhắc mọi người về hội chứng kiệt sức (burn out) trong giới trẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), burn outlà hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát. Người mắc hội chứng này có các biểu hiện như sáng ngủ dậy không muốn đi làm, đến công sở vất vả lắm mới có thể bắt tay vào việc, dễ cáu, thấy mình kém cỏi, vô giá trị, ảnh hưởng đến khẩu vị, giấc ngủ.
Mặc dù không phải bệnh lý (khác với trầm cảm), việc WHO thêm burn out vào bảng phân loại bệnh có nghĩa là người mắc hội chứng này cần được trợ giúp bởi bác sĩ hay dịch vụ y tế.
Burn out ảnh hưởng đến người lao động ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt Gen Z. Một nghiên cứu toàn cầu của công ty nhân sự UKG tháng 10/2024 tiết lộ 83% nhân viên tuyến đầu (người trực tiếp làm việc với khách hàng) thuộc Gen Z bị kiệt sức. Trước đó, một cuộc khảo sát của web việc làm Indeed cho thấy, những người lao động thuộc thế hệ Millennials và Gen Z đang báo cáo tỷ lệ kiệt sức cao nhất, lần lượt là 59% và 58%.
Nhật Minh (Theo 163.com)