Ban đầu, chị Lộc, mẹ Gia Hân giành hiến gan cho con vì bố là lao động chính, trụ cột gia đình. Khi làm xét nghiệm thì mẹ không cùng nhóm máu, sức khỏe không tốt, có các bệnh lý bướu giáp, thiếu máu, nên không phù hợp hiến gan. Anh Hòa kiên quyết hiến một phần lá gan để cứu con gái.
Gia Hân bị teo đường mật bẩm sinh, trải qua ca phẫu thuật Kasai lúc gần hai tháng tuổi. Đây được xem là phẫu thuật tạm thời trong khi chờ đợi ghép gan ở trẻ mắc bệnh này. Ca mổ thành công giúp bé duy trì sinh hoạt bình thường bên cạnh gia đình, bạn bè những năm đầu đời. Tuy nhiên, diễn tiến xơ gan ngày càng nặng. Bé bị xuất huyết tiêu hóa do biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, phải nội soi cầm máu hai lần mới qua được cơn nguy hiểm. Bé cũng suy dinh dưỡng do chức năng gan xấu, giảm tiểu cầu máu nặng thường xuyên chảy máu mũi. Ước mơ đến trường chỉ vỏn vẹn khoảng một tháng, bé phải gác lại việc học vì thường xuyên nhập viện.
Ghép gan là giải pháp duy nhất để Hân tiếp tục cuộc sống. Tình trạng bé trở nặng từ năm ngoái nhưng vợ chồng anh Hòa cố kéo dài thời gian để kiếm tiền cho cuộc mổ với chi phí ước tính 400-500 triệu đồng. Chưa kể sau ghép, bé phải tái khám thường xuyên, uống thuốc chống thải ghép, có chế độ ăn uống, vệ sinh sạch sẽ, trong hai năm đầu mỗi năm tốn khoảng 200 triệu đồng. Sau đó, việc chăm sóc nhẹ gánh hơn, chi phí khoảng 5-10 triệu mỗi tháng.
Tuy nhiên, chưa dành dụm đủ tiền thì dịch Covid-19 khiến kinh tế gia đình đã khó khăn càng thêm kiệt quệ. Vợ chồng anh đều là lao động tự do, thuê trọ tại Nhà Bè, đang còn phải nuôi hai đứa con 13 tuổi và 2,5 tuổi. Sau hai đợt nhập viện điều trị của Gia Hân, hai vợ chồng không còn khoản tiết kiệm nào, phải đi vay mượn thêm.
Diễn tiến của Gia Hân ngày càng xấu, các bác sĩ không thể trì hoãn thêm, dù gia đình mới vay mượn được 300 triệu, chưa đủ tiền cho ca ghép. Cuộc mổ diễn ra ngày 1/12 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Các bác sĩ lấy một phần gan từ anh ghép sang cho Gia Hân, trong ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ.
"Chồng và con cùng vào phòng mổ, tôi lo lắng cực độ, không ăn không ngủ được, tâm trạng rất hỗn loạn, cho đến khi bác sĩ thông báo ca ghép thành công", mẹ bé nói. Trước mổ không lâu, Gia Hân kể với mẹ rằng trong giấc ngủ, thấy ba lấy "tiên đơn" trong người ra chữa cho bé hết bệnh. Giấc mơ của con khiến bố mẹ càng thêm động lực và quyết tâm cho cuộc đại phẫu.
Ca đại phẫu của bé Gia Hân là trường hợp ghép gan thứ 15 và là ca đầu tiên các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn tự chủ kỹ thuật, không nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết ghép gan là kỹ thuật rất phức tạp, mỗi cuộc mổ thường kéo dài 10-14 giờ. Trước đây, từ ca ghép gan đầu tiên năm 2005 đến năm 2020 đều có đoàn từ Bỉ hỗ trợ. Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các bác sĩ nước ngoài không thể sang. Một số trẻ không thể cầm cự chờ ghép gan đã vĩnh viễn ra đi khiến các y bác sĩ quyết tâm tự lực thực hiện. Bệnh viện đã thành lập Khoa Gan Mật Tuỵ khoảng một năm nay, phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM để phẫu thuật ca đầu tiên.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Trí (Trưởng Khoa Gan Mật Tuỵ), gan của Gia Hân dính vào cơ hoành và các cơ quan lân cận rất nhiều, khiến việc lấy gan ra khỏi cơ thể rất khó, tốn nhiều thời gian. May mắn, cuộc mổ sau đó diễn ra thuận lợi, sau ghép bé hồi phục tốt hơn dự kiến. Ngày thứ hai bé đã ngồi dậy bước xuống khỏi giường bệnh. Ngày thứ ba, bé có thể tự ăn uống tốt, thay vì phải ăn qua ống sonde như những ca trước.
Hiện, 20 ngày sau ghép, bé hồi phục ổn định, đi lại thoải mái trong phòng cách ly chăm sóc sau mổ. Gan ghép đã được chấp nhận và hoạt động như một gan bình thường, dự kiến bé xuất viện cuối tháng 12. Song, nỗi lo chưa dừng lại ở đó. Các bác sĩ khi đến khảo sát trước ghép, ghi nhận gia đình 5 người sống trong căn nhà trọ lụp xụp, không đảm bảo điều kiện vệ sinh để chăm sóc Gia Hân sau mổ. Gia đình dự định đi thuê một căn phòng sạch sẽ hơn để đón bé xuất viện về ở, nhưng chi phí 8 triệu mỗi tháng đang ngoài khả năng chi trả nên chưa thực hiện được.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh (Phó Khoa Gan Mật Tuỵ) lo ngại kinh tế gia đình sẽ càng khó khăn vì sau khi hiến gan, bố bé phải nghỉ làm 6 tháng để gan hồi phục, mẹ cũng phải ở nhà để chăm sóc con. "Khoảng hai năm đầu đòi hỏi sự chăm sóc rất kỹ lưỡng, các bé phải được ở trong môi trường sạch sẽ riêng biệt, được khử trùng thường xuyên, sau đó chỉ cần duy trì uống thuốc chống thải ghép, tái khám định kỳ", bác sĩ Khánh nói.
Theo các bác sĩ, chi phí là một trong những rào cản khiến số ca ghép gan chưa nhiều, chỉ 15 ca trong 16 năm, trong khi danh sách chờ ghép đang hơn 200 ca, mỗi năm thêm khoảng 30 bệnh nhi cần ghép. Ngoài ra, trở ngại còn đến từ việc kỹ thuật ghép phức tạp, khan hiếm tạng, nhiều gia đình không tìm được người hiến phù hợp, trẻ qua đời trước khi có được nguồn tạng thay thế.
Giáo sư Trần Đông A, cố vấn ghép tạng Bệnh viện Nhi đồng 2, bày tỏ mong muốn sớm được cho phép hién tạng nhân đạo ở trẻ em chết não dưới 18 tuổi, như nhiều nước trên thế giới để thêm nhiều bé có cơ hội được cứu sống. Đồng thời, Việt Nam cần sớm có quỹ ghép tạng giúp đỡ những gia đình khó khăn, chính sách miễn phí các khoản chi trả về xét nghiệm, nằm viện của người hiến tạng.