Một bộ hài cốt khai quật từ một nghĩa địa hỏa táng thời La Mã ở thị trấn Pommerœul, Bỉ, khiến các nhà khoa học ngạc nhiên vì được tạo thành từ xương của ít nhất 5 người sống ở những thời kỳ khác nhau, Live Science hôm 5/11 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Antiquity.
Trong cuộc khai quật nghĩa địa những năm 1970, các chuyên gia đã tìm thấy 76 ngôi mộ hỏa táng và một ngôi mộ chôn cất một hài cốt ở tư thế bào thai. Hiện vật liên quan và cách chôn cất cho thấy các ngôi mộ hỏa táng thuộc về người La Mã, tồn tại từ thế kỷ 2 - 3. Dù việc chôn cất trong tư thế bào thai khá bất thường với nghĩa địa La Mã, nhưng nhóm khai quật đã tìm thấy một chiếc ghim cài bằng xương kiểu La Mã ở gần hộp sọ và kết luận, ngôi mộ này nhiều khả năng cũng thuộc thời La Mã.
Năm 2019, phân tích đồng vị carbon xác nhận rằng mọi ngôi mộ hỏa táng ở Pommerœul đều tồn tại từ thời La Mã. Nhưng điều ngạc nhiên là mẫu vật từ hài cốt trong tư thế bào thai lại có nhiều mức niên đại khác nhau thuộc thời Đồ Đá Mới (năm 7000 - 3000 trước Công nguyên).
Trong nghiên cứu mới, nhà khảo cổ Barbara Veselka từ Đại học Vrije Brussel cùng đồng nghiệp tìm hiểu kỹ hơn về ngôi mộ kỳ lạ thông qua nhiều kỹ thuật, bao gồm phân tích xương, định tuổi bằng đồng vị carbon và giải trình tự ADN cổ đại.
"Có khả năng nhiều hơn 5 người đã góp phần tạo nên 'cá thể' này, nhưng số lượng người đã được xác nhận bằng ADN là 5", Veselka cho biết. Phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon xác định chiếc ghim xương La Mã nằm gần hộp sọ tồn tại từ năm 69 - 210, trong khi kết quả phân tích gene xác định rằng hộp sọ thuộc về một phụ nữ La Mã, khoảng thế kỷ 3 - 4.
Những phân tích này đặt ra thêm nhiều câu hỏi, ví dụ, tại sao hộp sọ của một phụ nữ La Mã lại nằm trong ngôi mộ thời Đồ Đá Mới và tại sao ngôi mộ lại chứa xương của nhiều người?
Nhóm nghiên cứu cho rằng người La Mã có thể đã vô tình làm xáo trộn một ngôi mộ thời Đồ Đá Mới khi chôn hài cốt hỏa táng, sau đó đặt thêm hộp sọ và ghim xương vào để hoàn thiện trước khi lấp mộ. Một khả năng khác là người La Mã đã dùng những mảnh xương thời Đồ Đá Mới nằm rải rác và một hộp sọ thời La Mã để xếp thành một "cá thể".
"Dù việc lắp ráp xương diễn ra vào cuối thời Đồ Đá Mới hay thời La Mã thì sự hiện diện của 'cá thể' này rõ ràng là có chủ ý", nhóm nghiên cứu viết. Tuy nhiên, mục đích của người La Mã khi xây ngôi mộ này vẫn là bí ẩn. Theo các nhà khoa học, có lẽ họ lấy cảm hứng từ sự mê tín hoặc nhận thấy cần kết nối với một cá thể từng sống ở khu vực này trước họ.
Thu Thảo (Theo Live Science)