Nghiên cứu chi tiết về loài khủng long bọc giáp Borealopelta markmitchelli xác nhận những chiếc gai dọc theo cổ và vai nó có kích thước lớn quá mức, có thể để thu hút bạn tình và những đối thủ. Hiệu ứng càng được tăng cường nhờ lớp mô mềm bọc ngoài những chiếc gai cứng như xương. Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu dựa trên mẫu vật hóa thạch được bảo quản nguyên vẹn của loài khủng long này, National Geographic hôm 29/11 đưa tin.
Cách đây khoảng 110 triệu năm, con khủng long ăn cỏ này chết và chìm xuống đáy một đại dương cổ đại. Năm 2011, những thợ mỏ ở Canada tình cờ đào được xác con khủng long. Hóa thạch 3D nguyên vẹn tới mức trông như thể con vật bị hóa đá ngay lập tức, vì vậy các nhà nghiên cứu đặt cho nó biệt danh "rồng ngủ". Từ khi hóa thạch được công bố hồi tháng 5, các nhà khoa học miệt mài nghiên cứu mẫu vật tuyệt vời để tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của con vật.
Nhóm nghiên cứu không quá bất ngờ khi phát hiện những phần nhô ra trên bộ giáp của con khủng long đóng vai trò trong cả ghép đôi và chiến đấu. Những con voi sử dụng cặp ngà như một vũ khí tự vệ, nhưng chúng cũng đâm vào ngà con voi khác khi cố gắng tìm bạn tình.
"Đối với hầu hết những cấu trúc phức tạp ở sinh vật sống như lông đuôi ở chim, màu sắc ở thằn lằn, sừng ở động vật có vú, động lực tiến hóa chung là chọn lọc giới tính", Caleb Brown, nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Royal Tyrrell, cho biết. "Nhưng chức năng tự vệ hoặc nhận dạng loại không vì vậy mà bị loại trừ".
Nghiên cứu mới của Brown về Borealopelta công bố trên tạp chí PeerJ là một trong số ít những nghiên cứu về khủng long bọc giáp và là công trình đầu tiên tập trung vào mô mềm bởi bộ phận này hiếm khi hóa thạch.
Khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống xã hội và giao phối của động vật, họ có xu hướng xem xét những cấu trúc nhanh chóng phát triển tới kích thước cực đại khi con vật trưởng thành về mặt sinh sản, như sừng ở loài bò. Nhưng điều này không thể thực hiện đối với Borealopelta do cần có mẫu vật xương khủng long. Hiện nay, hóa thạch ở Canada là mẫu vật duy nhất của loài này, và phần lớn bộ xương của nó vẫn ẩn dưới lớp giáp và bộ da.
Thay vào đó, Brown nghiên cứu sự thay đổi của những tấm giáp trên khắp cơ thể con khủng long. Sau khi cẩn thận đo mỗi tấm trong tổng số 172 tấm giáp của hóa thạch, ông nhận thấy những chiếc gai ở phần trước cơ thể Borealopelta nhô cao hơn và dài hơn hẳn so với phần sau.
Đặc biệt, những tấm giáp đồ sộ trên vai nó tương tự như sừng trâu, khác hẳng các tấm giáp phẳng hơn trông tựa viên ngói ở phía sau. Brown cũng phát hiện độ lớn vượt trội của vỏ bọc hóa thạch làm từ protein keratin, phủ ngoài nhiều tấm giáp. Một số vỏ bọc những tấm giáp phía sau có độ dày chỉ 25 mm. Tuy nhiên, một số tấm giáp ở cổ có vỏ bọc dày hơn 2,5 cm.
Brown ví bộ giáp có nhiều vảy xương gần đầu của Borealopelta với một bảng yết thị giúp nó phát hiện những thành viên cùng loài hoặc tìm bạn tình tiềm năng, tương tự như chức năng của ngà và sừng ở các loài động vật ngày nay.
Phương Hoa