Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Giao thông & Vận tải cho biết như vậy tại họp báo Chính phủ ngày 4/9. Theo ông, kiến nghị mua lại một phần của cổ đông ngoài Nhà nước nắm vốn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới là đề xuất của Bộ Giao thông, chưa được Thủ tướng phê duyệt. Vì thế trong đề xuất, cơ quan này chưa tính tới việc huy động nguồn tiền ở đâu để mua lại 4,6% cổ phần (tương đơng 100 triệu cổ phiếu) ACV.
"Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chúng tôi mới lập đề án mua, gom hoặc tính chuyện lấy kinh phí ở đâu để thực hiện", ông Đông nhấn mạnh.
Đề xuất mua lại một phần vốn của các cổ đông ngoài Nhà nước tại ACV, để "đảm bảo điều kiện cao nhất là an ninh hàng không, quốc phòng" được bộ này đề cập trong tờ trình gửi Thủ tướng mới đây.
Nếu đưa ACV trở lại là doanh nghiệp Nhà nước, cổ đông Nhà nước phải mua lại 100 triệu cổ phần do các cổ đông khác nắm giữ. Căn cứ theo thị giá cổ phiếu ACV trên sàn chứng khoán, quy mô đợt mua lại có thể lên tới 8.000 tỷ đồng.
Dù đề xuất mới ở mức "nghiên cứu xem xét lộ trình", một số chuyên gia cho rằng khả năng thực hiện không cao, bởi việc cân đối vốn từ ngân sách để mua cổ phiếu theo giá thị trường là không dễ. Nếu mua lại thấp hơn, không dễ để các cổ đông khác chấp nhận.
Theo ông Đông, trước năm 2016, ACV được giao quản lý, bảo trì các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của doanh nghiệp này và kể cả từ tháng 4/2016 - sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc bảo trì, bảo dưỡng số tài sản này đình trệ hơn trước.
Tháng 7, Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng đề án với nhiều phân tích, phương án khác nhau và có kiến nghị từ nay tới 2025 tiếp tục giao ACV sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025.
Anh Minh