Ngày 29/8, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo các sở giao thông tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Lãnh đạo Bộ Giao thông đã yêu cầu các sở giao thông vận tải địa phương báo cáo về kết quả kiểm tra, thực hiện trước ngày 30/9.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, gần đây, giá nhiên liệu liên tục được điều chỉnh giảm rõ rệt nên các doanh nghiệp cần nghiêm túc tính toán, kê khai giá phù hợp để kéo giảm chi phí vận tải hàng hóa. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu ngành giao thông quản lý chặt chẽ việc kê khai giá cước.
Trao đổi với VnExpress, ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhận định, về nguyên tắc, khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng hay giảm 10% thì doanh nghiệp cần điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp không điều chỉnh do vẫn giữ giá trong giai đoạn xăng tăng.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng, nhiều doanh nghiệp chậm kê khai vì muốn chờ đợi giá xăng ổn định, sau khi có sự điều chỉnh liên tục. Khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp taxi phải kiểm định lại đồng hồ với chi phí 100.000 đồng/xe, các nhà xe phải in lại vé... nên họ chờ đợi thời điểm xăng dầu ổn định để tính toán điều chỉnh.
"Giá cước do thị trường quyết định, Nhà nước can thiệp song nếu doanh nghiệp bán giá cao thì khách hàng không chấp nhận, nên doanh nghiệp phải tính toán kỹ để điều chỉnh khi giá xăng giảm", ông Thanh nói.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng đã chỉ đạo các hiệp hội vận tải các tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát lại các khoản mục giá thành, mức độ tăng, giảm giá xăng tại thời gian hiện nay với thời điểm kê khai giá lần gần nhất. Sau đó, họ sẽ kê khai giá cước với cơ quan quản lý giá tại địa phương.
Đoàn Loan