Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng năm 2006. Trong Dự thảo, lần đầu tiên Bộ đề xuất có thêm quyền quản lý trong lĩnh vực giá dịch vụ phi hàng không.
Cụ thể, trong Điều 11 của Luật Hàng không Dân dụng về phí, lệ phí và giá dịch vụ hàng không, mục D được sửa từ "giá dịch vụ khác tại cảng hàng không, sân bay" thành "giá dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay".
Trước đây, quản lý giá không phải là chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, trong Tờ trình Chính phủ, Bộ Giao thông chỉ ra rằng mặc dù là dịch vụ phi hàng không, nhưng do yếu tố độc quyền của cảng hàng không, các dịch vụ này cũng cần phải được quản lý chặt chẽ về giá để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo Luật Giá vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, các quy định mới của Luật Giá sẽ phân cấp quản lý, điều hành giá và giao nhiệm vụ cụ thể hơn trong các Bộ, ngành trong việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá. Hiện nay, có nhiều Bộ, ngành cũng được giao nhiệm vụ điều hành giá cả. Tờ trình của Bộ Giao thông viện dẫn cho biết hiện nay Luật đất đai, Luật Điện lực, Luật Dược, Luật Kinh doanh Bất động sản cũng đều có phần quản lý về giá liên quan đến Bộ ngành mình.
Do vậy, tờ trình cho rằng giao thẩm quyền quyết định khung giá các loại dịch vụ tại cảng hàng không sân bay cho Bộ Giao thông là đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ trong các quy định khác về giá, lệ phí trong ngành hàng không.
Trong nhiều tháng gần đây, vấn đề giá dịch vụ phi hàng không như ăn uống, đồ lưu niệm... là vấn đề bức xúc của nhiều hành khách. Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không đã lần đầu tiên lên tiếng yêu cầu chấn chỉnh giá cả tại các sân bay. Gần đây nhất, tại Nội Bài, nhà khai thác đã có thành công bước đầu khi niêm yết mức giá trần đối với một số loại hàng hóa dịch vụ.
Thanh Bình