Theo Bộ Giao thông vận tải, từ giữa tháng 7/2015, cơ quan này đã nhận được văn bản đề nghị của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam, kèm theo đề án thí điểm "Triển khai dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng". Đề án này đã được Bộ Giao thông bổ sung, hoàn thiện và trình Chính phủ tuần trước. Để triển khai, cơ quan này đồng thời cũng đề xuất phía GrabTaxi sẽ là đơn vị chủ trì.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2014, tương tự như nhiều dịch vụ gọi xe đang khá phổ biến khác như Uber, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, AdTos, iMove... bản chất dịch vụ của GrabTaxi là sử dụng phần mềm cài đặt trên thiết bị di động để kết nối giữa người có nhu cầu di chuyển với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải. Kết nối trực tiếp này (không cần thông qua một tổng đài hay đơn vị trung gian) góp phần giảm chi phí của cả 2 bên, giúp hạ giá thành vận chuyển.
Tuy nhiên, cũng vì là dịch vụ kết nối trực tiếp, thông qua phần mềm, có thể không chịu sự quản lý của các pháp nhân vận tải, cơ quan chức năng... nên khi gia nhập thị trường Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác, các dịch vụ kết nối này nhận được không ít ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề quản lý, an toàn, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, nghĩa vụ thuế... Việc các phần mềm có thể không cần đăng ký ở Việt Nam mà vẫn có thể hoạt động cũng là một trong những vấn đề được cơ quan quản lý nêu ra.
Trước thực tế này, đề án mà Bộ Giao thông trình Chính phủ cho biết GrabTaxi sẽ hỗ trợ lái xe ôtô các doanh nghiệp vận tải tại 5 địa phương là Hà Nội. TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động. Các doanh nghiệp này phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách và các phương tiện bắt buộc phải trang bị thiết bị giám sát hành trình.
Về phía hành khách, tương tự như trước đây, người có nhu cầu sử dụng dịch vụ đặt ôtô sẽ tải ứng dụng vào điện thoại và đăng ký tài khoản. Việc làm này, cùng với thao tác ấn nút đặt xe sẽ có giá trị thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản.
Các nội dung cơ bản của hợp đồng này (quyền lợi khách hàng, địa chỉ nơi đi-đến, thời gian thực hiện và giá trị hợp đồng...) sẽ được thể hiện trong quá trình khách hàng tải ứng dụng kết nối, đăng ký tài khoản và đặt xe. Sau khi sử dụng dịch vụ, hành khách sẽ trực tiếp thanh toán cước phí cho đại diện đơn vị kinh doanh (tài xế) và được ghi nhận để quả lý thuế.
Theo Bộ Giao thông, việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử, thay cho hợp đồng nêu trên sẽ giúp cơ quan quản lý có được nguồn thông tin hữu ích, dễ dàng thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động vận tải... Tuy nhiên, một điểm nghẽn là hiện pháp luật chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng vận tải. Do đó, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm hình thức này trong khuôn khổ đề án.
Về kinh phí xây dựng, thực hiện đề án, cơ quan quản lý cho biết sẽ do phía GrabTaxi đầu tư toàn bộ và triển khai trong vòng 3 năm. Sau thời gian thí điểm, đến tháng 12/2018, ngành Giao thông sẽ đánh giá kết quả thực hiện để đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách quản lý vận tải hành khách bằng ôtô.
Trao đổi thêm về lý do GrabTaxi được lựa chọn thí điểm, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - Khuất Việt Hùng cho biết bên cạnh đề án được xây dựng tương đối phù hợp, đơn vị này còn cam kết chỉ hợp tác với các xe đủ điều kiện kinh doanh, thông qua các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã trong ngành. "Bên cạnh đó, họ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu để giúp quản lý Nhà nước làm tốt hơn vai trò của mình trong hoạt động này", ông Hùng cho biết.
Thành lập tại Malaysia năm 2011 với tên MyTeksi, GrabTaxi hiện có trụ sở tại Singapore và có mặt tại 26 thành phố thuộc 6 nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, dịch vụ GrabTaxi đã được triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 2/2014, tại Hà Nội từ tháng 5/2014, và tại Đà Nẵng từ tháng 6/2015.
Kỳ Duyên