Tại buổi họp báo thường kỳ hôm 20/10, trước phản ánh của cử tri về tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra nhức nhối, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục Đào tạo) Phạm Ngọc Định cho biết, Bộ đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế, như ra văn bản quy định cấm dạy thêm bậc tiểu học, hay gần đây là áp dụng Thông tư 30 bỏ chấm điểm thường xuyên cho học sinh tiểu học. Vì một bộ phận giáo viên thường dùng điểm số để gây áp lực cho học sinh, ép các em đi học thêm.
"Tuy nhiên, Bộ chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này vì nhiều lý do, trong đó có những phụ huynh vì muốn con hơn bạn bè vẫn có nhu cầu học thêm, hay một số giáo viên vì lý do nào đó chưa chấm dứt được dạy thêm. Một mình Bộ không thể làm được mà cần có sự chung tay của các địa phương trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra", ông Định nói.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận dạy thêm, học thêm hiện vẫn tồn tại và để giải quyết triệt để chuyện này không thể chỉ là giải pháp hành chính, mà cần nhiều giải pháp khác. "Cần phải xác định, nếu học sinh đã học 2 buổi/ngày thì không cần phải học thêm. Người dân cũng cần nhận thức lại chất lượng giáo dục là thế nào? Đó không phải chỉ giỏi văn, toán mà cần giỏi toàn diện. Nếu quan niệm thế nhu cầu dạy thêm sẽ ít đi", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, chơi cũng là học chứ không phải chỉ đến trường mới là đi học. Chơi mà nói chuyện với ông bà, được ông bà kể chuyện cho nghe cũng là một cách học. Giáo viên nếu có phương pháp dạy tốt, hướng dẫn các em tự học ở nhà thì cũng không cần phải dạy thêm, học thêm.
Liên quan đến vấn đề lạm thu đầu năm học, ông Phạm Ngọc Định cho biết, thông qua đường dây nóng và hòm thư tiếp nhận ý kiến nhân dân, Bộ Giáo dục đã nhận được nhiều phản ánh về việc thu sai quy định ở các trường.
Bộ đã chuyển một phần thông tin cho địa phương xử lý, đồng thời lập đoàn kiểm tra thực tế. Kết quả cho thấy các địa phương đã ban hành quy định về thu chi, nhưng hiện tượng lạm thu vẫn còn. Những trường hợp kết luận có việc thu sai quy định, Bộ đều yêu cầu trả lại cho phụ huynh.
Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính Bùi Hồng Quang cho hay, từ năm 2010 Bộ Giáo dục liên tục có văn bản quy định, chấn chỉnh việc lạm thu. Hai năm gần đây vấn đề này được nêu trong nhiệm vụ năm học nhưng sự quản lý của địa phương chưa sâu sát, đặc biệt là khu vực thành phố.
"Thời gian tới Bộ sẽ phải rà soát, xem xét sửa đổi lại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh", ông Quang nói.
Sáng 20/10, báo cáo kiến nghị cử tri của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho thấy nhân dân chưa hài lòng với chất lượng giáo dục hiện tại. Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng dạy thêm và học thêm ở các cấp học, đặc biệt là bậc tiểu học còn diễn ra phổ biến, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn. Tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập dưới hình thức đóng góp tự nguyện của hội cha mẹ học sinh để xây dựng nhà trường gây bức xúc, khó khăn cho người dân. |
Hoàng Thùy