Báo cáo ngày 21/8 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là đề án ngoại ngữ 2020) đã được sửa đổi. Đề án mới với tên gọi Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 đang được trình Thủ tướng.
Trong năm học tới 2017-2018, Bộ Giáo dục xác định, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, là một nhiệm trọng tâm. Ngành giáo dục sẽ hoàn thiện các định dạng đề thi theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; ban hành quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung này.
Việc đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, học liệu, xây dựng và phát triển môi trường thực hành ngoại ngữ thông qua phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ... cũng là một nhiệm vụ được đặt ra. Bộ xác định tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Chương trình, tài liệu, học liệu đào tạo sẽ được rà soát, phù hợp với đối tượng, cấp học; chú trọng phương thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến.
Theo Bộ Giáo dục, năm học 2015-2016 cả nước có hơn 1,8 triệu học sinh học theo chương trình đề án tiếng Anh. Đến năm 2016-2017, con số này tăng lên là hơn 4,9 triệu, trong đó đông nhất là khối tiểu học lớp 3-5 với hơn 2,1 triệu. Có 5.940 giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông đã được bồi dưỡng nghiệp vụ. Tại một số trường THPT, môn Toán, Vật lý được thí điểm dạy bằng tiếng Anh, có đánh giá năng lực đầu ra ngoại ngữ của học sinh.
Tuy đạt được một số kết quả, Bộ Giáo dục cũng thừa nhận việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo Chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn. Hiện chưa có giải pháp cụ thể trong dạy và học ngoại ngữ ở các vùng miền, địa phương dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn tại tất cả địa phương trở nên khó khăn. Hoạt động bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tại các đơn vị thụ hưởng chưa thực sự đạt hiệu quả.
Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo cũng chưa tốt dẫn đến nhiều sinh viên trước khi ra trường và sau tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ. Mục tiêu bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đạt chuẩn của công chức, viên chức chưa được quan tâm...
Trước đó, Đề án ngoại ngữ 2020 chịu nhiều "búa rìu" của dư luận. Trọng tâm của chương trình là giai đoạn 2016-2020 với nhiệm vụ triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên cả nước, từ lớp 3 đến lớp 12; tăng cường tiếng Anh trong tất cả trường nghề, cao đẳng và đại học. Đến năm 2016, đề án tiêu tốn hơn 9.000 tỷ đồng, nhưng số lượng học sinh được thụ hưởng chương trình chỉ chiếm 20% so với mục tiêu. Số giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn là hơn 30%, thậm chí nhiều địa phương có chưa tới 100 thầy cô.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ trong hội nghị triển khai đề án (9/2016) nhận định, chất lượng chương trình còn thấp, đặc biệt là tiếng Anh, thể hiện rõ trong kỳ thi THPT quốc gia. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có trên 90% học sinh bị điểm dưới trung bình môn tiếng Anh, tập trung khoảng 2-4. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm 2,25 chiếm cao nhất. Chỉ 8,8% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên.
Ở kỳ thi THPT quốc gia 2017, phổ điểm môn tiếng Anh tuy đã nhích lên, đỉnh của đồ thị ở mốc 3,4 điểm, khoảng điểm nhiều thí sinh đạt được vẫn ở mức 2,2-5. Điểm trung bình tiếng Anh là 4,6 (cùng với Lịch sử) thấp nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia.