Tại buổi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý ngành giáo dục thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định (ngày 12/5), Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hướng tới Bộ sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên. Các thầy cô sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng, có vào và có ra. Việc này chưa làm ngay mà phải có lộ trình.
"Riêng nhu cầu định biên kế toán và y tế, hiện có khoảng 80.000 cán bộ. Tiến tới, Bộ sẽ triển khai theo kiểu một kế toán phục vụ 3-4 trường, thậm chí có trường chỉ cần thuê kế toán. Y tế trường học đã có trạm y tế xã, những trường ở xa sẽ được cân nhắc, điều chỉnh cho hợp lý", Bộ trưởng nói và cho biết sẽ tinh giảm cán bộ ở những lĩnh vực này.
Tại buổi làm việc, nhiều cử tri băn khoăn trước vấn đề chất lượng giáo viên phục vụ chương trình Giáo dục phổ thông mới, dự tính triển khai từ năm 2018. Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định) Võ Ngọc Sỹ, cho rằng, sẽ khó có được giáo viên để dạy các môn mới.
“Nếu tuyển mới đúng vị trí việc làm sẽ làm phình bộ máy biên chế, chưa nói tới nguy cơ không tuyển được vì hiện các trường sư phạm chưa đào tạo chuyên ngành mới này. Nếu đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện nay thì chưa có chương trình, chưa biết cơ sở nào được đào tạo, bồi dưỡng và chế độ cho giáo viên ra sao", ông Sỹ nói.
Phó trưởng phòng Giáo dục TP Quy Nhơn Lý Chiêu Hòa cũng cho rằng, dự thảo chương trình mới yêu cầu các trường tiểu học tổ chức dạy học hai buổi một ngày là rất khó khăn. Quy Nhơn hiện có 666 lớp tiểu học. Nếu giữ nguyên số lớp này thì 6 năm tới cần xây thêm hơn 230 phòng học mới để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. "Đây là con số lớn, khó thực hiện được, chưa kể đến khó khăn trong bố trí giáo viên. Nhiều giáo viên lớn tuổi không thể đáp ứng được các yêu cầu về chuẩn khi tiến hành đổi mới, có nguyện vọng được nghỉ sớm", ông Hòa nói.
Giải đáp các thắc mắc này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban quản lý dự án Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang rà soát, xây dựng các chuẩn giáo viên, chuẩn quản lý nhà giáo theo khung mới. Trước mắt, Bộ sẽ rà soát xem 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện ở đâu so với các bậc chuẩn. Từ thực tế đó, Bộ sẽ xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu, đáp ứng yêu cầu chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng.
Bộ đã giao cho 7 trường đại học sư phạm làm nòng cốt, hơn 100 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm làm vệ tinh, để đào tạo lại đội ngũ giáo viên ở các địa phương. Tháng 9 tới, việc đào tạo giáo viên cốt cán sẽ được tiến hành, sau đó mở rộng ra toàn đội ngũ nhà giáo. Về lâu dài, các trường sư phạm được yêu cầu tự thay đổi, chủ động đào tạo giáo viên các môn học mới.
Năm 2018, Bộ dự tính chỉ tập trung đổi mới ở lớp 1 và làm thử nghiệm ở lớp 6, lớp 10. Năm học 2019-2020, Bộ sẽ tiếp tục làm đại trà lớp 2, lớp 6, lớp 10. Cách thực hiện "cuốn chiếu" như vậy, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ có thời gian chuẩn bị giáo viên và cơ sở vật chất để đến năm 2023 hoàn thành đổi mới.
Xuân Hoa