Ngày 13/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các cơ sở yêu cầu rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 2013 đến nay. Việc này nhằm đánh giá quá trình đào tạo tiến sĩ của các cơ sở và từng ngành đào tạo, đồng thời bổ sung, cập nhật dữ liệu trong cả nước.
Bộ Giáo dục đề nghị các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ nhập thông tin báo cáo online trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục theo địa chỉ: http://www.hemis.moet.edu.vn trước ngày 30/6. Ngoài ra, các cơ sở cần điền thông tin vào bảng mẫu báo cáo có xác nhận của thủ trưởng cơ sở đào tạo và gửi trước ngày 30/6 về địa chỉ: Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Nội dung báo cáo phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu công khai của cơ sở đào tạo theo quy định để giám sát, đối chiếu", Bộ Giáo dục nêu rõ.
Nếu cơ sở đào tạo tiến sĩ không gửi báo cáo, không kê khai online đúng hạn, nội dung báo cáo không thống nhất với dữ liệu công khai của cơ sở hoặc giảng viên trùng với cơ sở đào tạo khác mà không có minh chứng là vi phạm quy định, không đảm bảo điều kiện để được xem xét đánh giá và sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Trước đó cuối tháng 4, thông tin Viện Khoa học Xã hội (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) sản xuất tiến sĩ với năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra đời một tiến sĩ khiến nhiều người bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo tiến sĩ nhanh và dễ dàng như thế cho thấy chất lượng các nghiên cứu không đảm bảo.
Sau những lo ngại của dư luận, ngày 4/5 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành giáo dục có biện pháp tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục ở các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học trong đó có chấn chỉnh việc đào tạo tiến sĩ.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước có hơn 24.000 tiến sĩ, khoảng 15.000 người (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng.
Lan Hạ