Ông Thưởng ngày 10/2 đưa ra quan điểm trên, giữa lúc Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm do Bộ ban hành gây tranh cãi.
Thứ trưởng Giáo dục cho rằng nhu cầu dạy thêm, học thêm hiện rất lớn, song đây là hoạt động phức tạp, cả ở trong và ngoài nhà trường. Bộ ban hành Thông tư 29 nhằm thắt chặt quản lý.
Cụ thể, trường học chỉ được dạy thêm miễn phí với ba nhóm, gồm: học sinh chưa đạt; bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện ôn thi. Tổ chức, cá nhân muốn dạy thêm ngoài trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh. Giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh chính khóa của mình.
Quy định mới có hiệu lực vào ngày 14/2. Tuy nhiên từ tuần trước, nhiều trường học, giáo viên đồng loạt dừng dạy thêm, khiến phụ huynh lo lắng về thành tích học tập và thi cử của con.
Theo ông Thưởng, chính tâm lý này ảnh hưởng đến việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
"Nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội", ông nói. "Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài nhà trường thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực".
Vì thế, ông Thưởng mong phụ huynh không coi điểm số trở thành áp lực mà phối hợp với nhà trường, giáo viên để việc học của con em trở nên nhẹ nhàng, đúng bản chất.
"Chúng ta phải xuất phát từ bản chất của giáo dục, đặc biệt là đối với học sinh, trả lại cho các em tuổi thơ để mỗi ngày đến trường là một ngày vui", Thứ trưởng nói.
![Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin về Thông tư 29, chiều 10/2. Ảnh: MOET](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/10/Thu-truong-Pham-Ngoc-Thuong-17-6367-7295-1739182935.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D6JiWInbcGNQZJlNVEsRlA)
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trả lời về Thông tư 29, chiều 10/2. Ảnh: MOET
Với các nhà trường và giáo viên, ông Thưởng chia sẻ về điều kiện dạy học còn khó khăn, sĩ số đông, việc kèm cặp, dạy dỗ cá thể hóa với từng học sinh còn nhiều vất vả. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh với truyền thống của nhà giáo, các thầy cô có trách nhiệm dạy học và kiểm tra để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra.
Nếu các em còn yếu kém, lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT, nhà trường, giáo viên cũng có trách nhiệm bổ trợ.
"Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy, những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề", theo ông Thưởng.
Về ý kiến cho rằng không dạy thêm làm giảm thu nhập, động lực của thầy cô, ông Thưởng khẳng định rất nhiều giáo viên mầm non, ở vùng sâu, vùng xa hay nhiều bộ môn trước giờ không dạy thêm nhưng vẫn tâm huyết, say sưa với nghề.
"Thời gian qua khi dạy thêm, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương, do đó quy định mới còn hướng tới bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo".
Lãnh đạo Bộ cho biết sẽ có giải pháp nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng phải đổi mới; không đánh đố, không ra ngoài chương trình để học sinh không cần học thêm vẫn có thể vượt qua. Ông lưu ý các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, tăng số trường, lớp dạy học hai buổi trên ngày.
Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để họ nói "không" với dạy thêm không đúng quy định; đồng thời với có chính sách đảm bảo đời sống cho nhà giáo.
Quan điểm của Bộ là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học chính khóa, học sinh có thời gian, không gian để vui chơi, tham gia các hoạt động nhằm phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội.
"Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội", ông Thưởng nói.
Dương Tâm