Trong thông báo hôm 20/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay đã kiểm tra Đại học Tôn Đức Thắng từ ngày 9-11/5 về các nội dung: thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ; tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Đoàn kiểm tra đánh giá Đại học Tôn Đức Thắng đã có nhiều chính sách tạo động lực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, năm 2019-2020, Đại học Tôn Đức Thắng có biểu hiện "nôn nóng" trong việc công bố quốc tế, không dựa trên định hướng thế mạnh thực tế của trường. Số lượng công bố quốc tế không dựa vào tiềm lực sẵn có của trường mà chủ yếu dựa vào cán bộ kiêm nhiệm (trong và ngoài nước) ngoài trường, chiếm 70% tổng số công bố quốc tế.
Kinh phí Đại học Tôn Đức Thắng chi cho công bố quốc tế năm 2019, 2020 chiếm 10-14% nguồn thu từ học phí. Bộ cho rằng điều này không phù hợp với Nghị định 99 năm 2014 của Chính phủ về khuyến khích các hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra kết luận việc ký hợp đồng với các nhà khoa học trong và ngoài nước để hợp tác nghiên cứu có nhiều nội dung không phù hợp.
Ngày 27/10, trả lời với VnExpress, Đại học Tôn Đức Thắng cho biết đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế thời gian qua nằm trong kế hoạch chung để thực hiện chiến lược phát triển trường, đến năm 2037 sẽ thành đại học nghiên cứu đa ngành. Giai đoạn 2017-2022, trường tập trung nguồn lực để phát triển một số ngành và lĩnh vực chuyên môn đạt đẳng cấp quốc tế như đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu; xây dựng môi trường, cơ chế làm việc để thu hút các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao, xây dựng văn hóa nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu theo chuẩn quốc tế.
"Đây cũng là cách làm của các trường đại học lớn trên thế giới", đại diện trường nói. Tuy nhiên, trường thừa nhận nghiên cứu khoa học trong giai đoạn thí điểm tự chủ đại học không tránh khỏi những hạn chế, bất cập và đang điều chỉnh, khắc phục.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: TDTU
Về kinh phí chi cho công bố quốc tế chiếm 10-14% học phí, Đại học Tôn Đức Thắng lý giải Nghị định 99 quy định cơ sở giáo dục đại học hàng năm phải dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, theo quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017, trường được tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc sử dụng kinh phí từ các nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Trong các nguồn thu của trường, ngoài học phí còn có các nguồn khác từ hoạt động chuyển giao sản phẩm, nghiên cứu ứng dụng, hoạt động dịch vụ với số thu bằng 15 - 20% nguồn thu từ học phí.
Do đó, nhà trường đã sử dụng các nguồn này để đầu tư phát triển về điều kiện phục vụ người học, nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo thống kê của Web of Science, từ 1/8/2018 đến 31/7/2019, Đại học Tôn Đức Thắng dẫn đầu Việt Nam về công bố quốc tế với 1.407 công trình trên các tạp chí thuộc danh mục ISI (Institute for Scientific Information) - hệ thống dữ liệu khoa học uy tín thế giới. Trên website, Đại học Tôn Đức Thắng cho biết trường đã có 10.314 công bố trên ISI/Scopus.
Đại học Tôn Đức Thắng hiện nằm trong top 1.000-1.200 bảng xếp hạng đại học thế giới QS. Còn theo bảng xếp hạng đại học THE, trường nằm trong top 500 thế giới, cùng Đại học Duy Tân xếp trên hai đại học quốc gia. Đây là hai tổ chức xếp hạng đại học uy tín thế giới và đều coi chỉ số trích dẫn (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) là một trong các tiêu chí để xếp hạng.
Bình Minh